Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Người cao tuổi
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Người cao tuổi

Thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Người cao tuổi (Đề mục 2 Chủ đề 6. Chính sách xã hội). Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành xác định Đề mục có 10 văn bản có nội dung thuộc Đề mục (thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Nội vụ; Bộ Tài chính; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Y tế) và 35 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục. Đề mục Người cao tuổi có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Người cao tuổi số 39/2009/QH12 ngày 23/11/2009 của Quốc hội, gồm 06 chương với 31 điều.
Đề mục Người cao tuổi có các nội dung chính như sau:
 - Chương I quy định những vấn đề chung như: Phạm vi điều chỉnh; Quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi; Chính sách của Nhà nước đối với người cao tuổi; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân; Ngày người cao tuổi Việt Nam; Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; Hợp tác quốc tế về người cao tuổi; Các hành vi bị cấm.  
- Chương II có 05 mục, quy định về phụng dưỡng, chăm sóc người cao tuổi, cụ thể:
+ Mục 1 quy định về phụng dưỡng người cao tuổi như: Nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng người cao tuổi (Phụng dưỡng người cao tuổi là chăm sóc đời sống tinh thần, vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khoẻ và các nhu cầu về vui chơi, giải trí, thông tin, giao tiếp, học tập của người cao tuổi; Người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng người cao tuổi là con, cháu của người cao tuổi và những người khác có nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; Người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng người cao tuổi tùy theo hoàn cảnh cụ thể phải sắp xếp nơi ở phù hợp với điều kiện sức khoẻ, tâm lý của người cao tuổi; chu cấp về kinh tế; thanh toán chi phí điều trị và chăm sóc y tế động viên khi người cao tuổi ốm đau; mai táng khi người cao tuổi chết; Người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng người cao tuổi phải cùng nhau hợp tác trong việc phụng dưỡng người cao tuổi; Khuyến khích tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này tham gia phụng dưỡng người cao tuổi); Uỷ nhiệm chăm sóc người cao tuổi.
+ Mục 2 quy định về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi như: Khám bệnh, chữa bệnh (Việc ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi được thực hiện như sau: Người từ đủ 80 tuổi trở lên được ưu tiên khám trước người bệnh khác trừ bệnh nhân cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng; Bố trí giường nằm phù hợp khi điều trị nội trú; Các bệnh viện, trừ bệnh viện chuyên khoa nhi, có trách nhiệm sau đây: Tổ chức khoa lão khoa hoặc dành một số giường để điều trị người bệnh là người cao tuổi; Phục hồi sức khoẻ cho người bệnh là người cao tuổi sau các đợt điều trị cấp tính tại bệnh viện và hướng dẫn tiếp tục điều trị, chăm sóc tại gia đình; Kết hợp các phương pháp điều trị y học cổ truyền với y học hiện đại, hướng dẫn các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc ở tuyến y tế cơ sở đối với người bệnh là người cao tuổi; Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân khám bệnh, chữa bệnh miễn phí cho người cao tuổi); Chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại nơi cư trú.
+ Mục 3 quy định về chăm sóc người cao tuổi trong hoạt động văn hoá, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch, sử dụng công trình công cộng và tham gia giao thông công cộng như: Hoạt động văn hoá, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch (Nhà nước đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần và rèn luyện sức khoẻ của người cao tuổi; Nhà nước và xã hội tạo điều kiện thuận lợi để người cao tuổi được học tập, nghiên cứu và tham gia hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch); Công trình công cộng, giao thông công cộng (Việc xây dựng mới hoặc cải tạo khu chung cư, công trình công cộng khác phải phù hợp với đặc điểm, nhu cầu sử dụng của người cao tuổi; Khi tham gia giao thông công cộng, người cao tuổi được giúp đỡ, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện); Giảm giá vé, giá dịch vụ (Người cao tuổi được giảm giá vé, giá dịch vụ khi sử dụng một số dịch vụ theo quy định của Chính phủ).
+ Mục 4 quy định về bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi  như: Đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội (Người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng; Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc trường hợp quy định mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng trợ cấp xã hội hằng tháng); Chính sách bảo trợ xã hội (Người cao tuổi quy định tại Điều 17 của Luật Người cao tuổi được hưởng bảo hiểm y tế, được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và hỗ trợ chi phí mai táng khi chết, trừ trường hợp quy định; Người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, có nguyện vọng và được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội thì được hưởng các chế độ sau đây: Trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng; Cấp tư trang, vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày; Được hưởng bảo hiểm y tế; Cấp thuốc chữa bệnh thông thường; Cấp dụng cụ, phương tiện hỗ trợ phục hồi chức năng; Mai táng khi chết); Chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng (Người cao tuổi thuộc diện quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật Người cao tuổi mà có người nhận chăm sóc tại cộng đồng thì được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng bằng mức nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, được hưởng bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi phí mai táng khi chết); Cơ sở chăm sóc người cao tuổi (Cơ sở chăm sóc người cao tuổi là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng, tư vấn hoặc hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho người cao tuổi; Cơ sở chăm sóc người cao tuổi bao gồm: Cơ sở bảo trợ xã hội; Cơ sở tư vấn, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi; Cơ sở chăm sóc người cao tuổi khác; Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở chăm sóc người cao tuổi; đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho cơ sở chăm sóc người cao tuổi công lập; hỗ trợ kinh phí cho cơ sở chăm sóc người cao tuổi ngoài công lập nuôi dưỡng người cao tuổi quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật Người cao tuổi; Tổ chức, cá nhân đóng góp, đầu tư xây dựng cơ sở chăm sóc người cao tuổi bằng nguồn kinh phí của mình được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường).
+ Mục 5 quy định về chúc thọ, mừng thọ, tổ chức tang lễ như: Chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi (Người thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam chúc thọ và tặng quà; Người thọ 90 tuổi được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chúc thọ và tặng quà; Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với Hội người cao tuổi tại địa phương, gia đình của người cao tuổi tổ chức mừng thọ người cao tuổi ở tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 95 và 100 tuổi trở lên vào một trong các ngày sau đây: Ngày người cao tuổi Việt Nam; Ngày Quốc tế người cao tuổi; Tết Nguyên đán; Sinh nhật của người cao tuổi; Kinh phí thực hiện quy định tại Điều này do ngân sách nhà nước bảo đảm và nguồn đóng góp của xã hội); Tổ chức tang lễ và mai táng khi người cao tuổi chết (Khi người cao tuổi chết, người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng người cao tuổi có trách nhiệm chính trong việc tổ chức tang lễ và mai táng cho người cao tuổi theo nghi thức trang trọng, tiết kiệm, bảo đảm nếp sống văn hoá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; trường hợp người cao tuổi không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này không có điều kiện tổ chức tang lễ và mai táng thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cơ sở bảo trợ xã hội nơi người cao tuổi cư trú chủ trì phối hợp với Hội người cao tuổi và các tổ chức đoàn thể tại địa phương tổ chức tang lễ và mai táng; Khi người cao tuổi chết, cơ quan, tổ chức nơi người cao tuổi đang làm việc hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc cuối cùng của người cao tuổi, Hội người cao tuổi, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các tổ chức đoàn thể tại địa phương có trách nhiệm phối hợp với gia đình người cao tuổi tổ chức tang lễ và mai táng).
- Chương III quy định về phát huy vai trò người cao tuổi như: Hoạt động phát huy vai trò người cao tuổi (Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để người cao tuổi phát huy trí tuệ kinh nghiệm quý và phẩm chất tốt đẹp trong các hoạt động sau đây: Giáo dục truyền thống đoàn kết, yêu nước, yêu con người và thiên nhiên; Xây dựng đời sống văn hoá; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc ở cơ sở và cộng đồng; tham gia các phong trào khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng người có đức, có tài và các cuộc vận động khác tại cộng đồng; Truyền thụ kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và nghề truyền thống cho thế hệ trẻ; Nghiên cứu, giáo dục, đào tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ; tư vấn chuyên môn, kỹ thuật; Phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp; Giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; hoà giải mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng; Thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng, quan liêu; phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội; Đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật và tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật; Các hoạt động xã hội khác vì lợi ích của Tổ chức và nhân dân); Trách nhiệm phát huy vai trò người cao tuổi (Nhà nước có trách nhiệm thực hiện các biện pháp sau đây để người cao tuổi phát huy vai trò phù hợp với khả năng của mình: Tạo điều kiện để người cao tuổi được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị với cơ quan, tổ chức về những vấn đề mà người cao tuổi quan tâm; Tạo điều kiện để người cao tuổi là nhà khoa học, nghệ nhân và những người cao tuổi khác có kỹ năng, kinh nghiệm đặc biệt, có nguyện vọng được tiếp tục cống hiến; Ưu đãi về vốn tín dụng đối với người cao tuổi trực tiếp sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, giảm nghèo; Biểu dương, khen thưởng người cao tuổi có thành tích xuất sắc; Cơ quan, Hội người cao tuổi, các tổ chức khác, gia đình và cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện để người cao tuổi thực hiện các hoạt động phát huy vai trò người cao tuổi).
- Chương IV quy định về hội người cao tuổi Việt Nam như: Hội người cao tuổi Việt Nam (Hội người cao tuổi Việt Nam là tổ chức xã hội, đại diện cho nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi Việt Nam; Hội người cao tuổi Việt Nam được tổ chức theo nguyên tắc tự nguyện, hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Hội); Kinh phí hoạt động của Hội người cao tuổi Việt Nam được hình thành từ các nguồn sau đây: Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; Hội phí của hội viên; Các nguồn thu hợp pháp khác; Hội người cao tuổi Việt Nam quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật); Nhiệm vụ của Hội người cao tuổi Việt Nam (Tập hợp, đoàn kết, động viên người cao tuổi tham gia sinh hoạt Hội người cao tuổi, góp phần thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội, giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Làm nòng cốt trong phong trào toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi; Nghiên cứu nhu cầu, nguyện vọng của người cao tuổi để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Đại diện cho người cao tuổi Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế, các hoạt động đối ngoại nhân dân vì lợi ích của người cao tuổi và của Tổ quốc).
- Chương V quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước về công tác người cao tuổi như: Cơ quan quản lý nhà nước về công tác người cao tuổi (Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác người cao tuổi; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác người cao tuổi; Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước về công tác người cao tuổi; Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về công tác người cao tuổi; lồng ghép hoạt động về người cao tuổi vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi); Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm sau đây: Xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về công tác người cao tuổi; Chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về người cao tuổi, chương trình, kế hoạch về công tác người cao tuổi; Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về người cao tuổi; Thực hiện hợp tác quốc tế về người cao tuổi; Thực hiện công tác báo cáo về người cao tuổi; Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống kê về người cao tuổi; Chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ ban hành và tổ chức thực hiện quy định về bồi dưỡng người làm công tác người cao tuổi; Chủ trì phối hợp với Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ và bồi dưỡng nhân viên chăm sóc người cao tuổi; Chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy hoạch các cơ sở chăm sóc người cao tuổi trong cả nước; Bộ Y tế có trách nhiệm sau đây: Hướng dẫn và tổ chức thực hiện chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cộng đồng; hướng dẫn việc quản lý bệnh mạn tính của người cao tuổi; Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh tim mạch, tiểu đường, an-dây-mơ (alzheimer) và các bệnh mạn tính khác, bệnh về sức khoẻ sinh sản của người cao tuổi; Đào tạo, bồi dưỡng thầy thuốc, nhân viên y tế chuyên ngành lão khoa; Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành quy định về tổ chức, chế độ, chính sách đối với người làm công tác người cao tuổi; Bộ Tài chính hướng dẫn việc bố trí ngân sách thực hiện chính sách chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi và hỗ trợ kinh phí hoạt động của Hội người cao tuổi Việt Nam theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, phê duyệt theo thẩm quyền các dự án nhà nước về chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi; chủ trì phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống kê về người cao tuổi; Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch chỉ đạo việc hỗ trợ người cao tuổi trong các hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch; chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi trong gia đình; Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền kịp thời, chính xác chính sách, pháp luật về người cao tuổi).
- Chương VI quy định về điều khoản thi hành như: Hiệu lực thi hành; Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
 Như vậy, thông qua việc pháp điển Đề mục Người cao tuổi đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về người cao tuổi đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Ngoài ra, một số quy định trong Đề mục Người cao tuổi còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn có liên quan đến nhau./.
 
Trần Thanh Loan
Chung nhan Tin Nhiem Mang