Sau phát biểu khai mạc của đồng chí Nguyễn Duy Thắng và một số ý kiến trước Hội nghị của đồng chí Huỳnh Quốc Anh, đồng chí Nguyễn Duy Thắng đã có những thông tin khái quát về công tác xây dựng Bộ pháp điển của Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành trung ương thời gian qua cũng như giới thiệu về vai trò, ý nghĩa quan trọng của việc triển khai xây dựng Bộ pháp điển đối với hệ thống văn bản QPPL của Việt Nam (trước mắt là pháp điển từ những văn bản QPPL của các bộ, ngành) và công tác “quản trị” hệ thống các văn bản QPPL thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mỗi bộ, ngành nhằm hạn chế được tối đa sự “rối rắm”, chồng chéo, mâu thuẫn của thực trạng hệ thống văn bản QPPL bên cạnh các công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; đồng thời để bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống văn bản QPPL. Tại Hội nghị, đồng chí Huỳnh Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp cũng thông tin đến Ban tổ chức Hội nghị của Cục Kiểm tra văn bản QPPL cùng các đại biểu tham dự Hội nghị về việc Bộ pháp điển đã được “tích hợp” trên Cổng Thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tình và Sở Tư pháp Bình Dương.
|
|
Qua việc tổ chức “các hội nghị điểm” về truyền thông Bộ pháp điển (03 Hội nghị tổ chức trong năm 2024), trong đó là Hội nghị này thì đề cao vai trò của Ủy ban nhân dân và Sở Tư pháp các tỉnh trong công tác phổ biến, tuyên truyền rộng rãi Bộ pháp điển tại địa phương vì Bộ pháp điển đến nay đã cơ bản hoàn thành, được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển (
phapdien.moj.gov.vn). Ngày 02/02/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ban hành Quyết định số 143/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển”. Theo Quyết định của Thủ tướng, Đề án được triển khai thực hiện từ năm 2024 đến năm 2026 với 05 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể: (1) Rà soát, hoàn thiện Bộ pháp điển bảo đảm chính xác, đầy đủ theo quy định; (2) Tổ chức nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật pháp điển bảo đảm Bộ pháp điển sắp xếp hợp lý, khoa học hơn, thuận lợi trong tra cứu; (3) Tuyên truyền, phổ biến Bộ pháp điển hiệu quả, chất lượng; (4) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong duy trì, quản lý và khai thác, sử dụng Bộ pháp điển; (5) Tăng cường các điều kiện bảo đảm cho công tác pháp điển.
Tiếp theo, đồng chí Nguyễn Duy Thắng đã hướng dẫn cách thức khai thác, sử dụng Bộ pháp điển qua việc minh họa trực tiếp cách tra cứu vào một số đề mục của 02 Chủ đề An ninh quốc gia (Chủ đề số 1) và Bổ trợ tơ pháp (Chủ đề số 4) của Bộ pháp điển.
Qua Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Thắng cũng thông tin đến Hội nghị về tham mưu, đề xuất của Cục Kiểm tra văn bản QPPL đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp quan tâm, đầu tư thích đáng trong nâng cấp, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật (
vbpl.vn) hơn nữa sau khi Cục đã có Báo cáo đánh giá tổng thể về Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật lên Lãnh đạo Bộ Tư pháp kể từ khi Cục tiếp nhận việc quản lý, duy trì hồi đầu năm 2024; qua đó, sẽ bảo đảm tốt hơn “nguyên vật liệu” đầu vào cho Bộ pháp điển so với giai đoạn xây dựng Bộ pháp điển vừa qua.
Các đại biểu tham dự hội nghị đã cảm ơn và đánh giá cao về việc Bộ Tư pháp thông qua Cục Kiểm tra văn bản tổ chức Hội nghị giới thiệu và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển ở Bình Dương, cũng như đề xuất Cục trong thời gian tới tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cá nhân, tổ chức khai thác, sử dụng Bộ pháp điển để Bộ pháp điển “dễ đi vào cuộc sống nhất” và thuận lợi nhất…
Kết thúc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Thắng mong muốn các đại biểu tích cực khai thác, sử dụng Bộ pháp điển, giới thiệu, lan tỏa Bộ pháp điển đến đồng nghiệp để Bộ pháp điển như ví dụ điển hình tại Hội nghị phổ biến, truyên truyền về Bộ pháp điển của bên ngành Kiểm sát nhân dân hồi tháng 4/2024, đồng thời, tham gia góp ý thêm qua địa chỉ Hòm thư phản ánh, kiến nghị trên Cổng thông tin điện tử pháp điển để Bộ pháp điển tiếp tục được hoàn thiện, hiệu quả một cách tốt nhất./.