5. Thực hiện ghi số và tên điều trong Bộ pháp điển
Sign In

Hướng dẫn nghiệp vụ

5. Thực hiện ghi số và tên điều trong Bộ pháp điển

     - Cách đánh số và tên gọi và nội dung của điều thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP.
     (1) Số của điều: Số thứ tự của chủ đề; dấu chấm; số thứ tự của đề mục; dấu chấm; ký hiệu về hình thức của văn bản được pháp điển; dấu chấm; số thứ tự của văn bản đối với văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; dấu chấm; số của điều tương ứng trong văn bản được pháp điển; dấu chấm.
Ký hiệu về hình thức của văn bản như sau: Luật của Quốc hội là LQ; Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội là PL; Lệnh của Chủ tịch nước là LC; Quyết định là QĐ; Nghị định của Chính phủ là NĐ; Nghị quyết là NQ; Nghị quyết liên tịch là NL; Chỉ thị là CT; Thông tư là TT; Thông tư liên tịch là TL.
     Ví dụ 1: Điều 1 Bộ luật dân sự năm 2005 khi được pháp điển vào đề mục có số như sau: Điều 9.1.LQ.1.
Trong đó, 9 là số thứ tự của chủ đề (chủ đề 9 là chủ đề Dân sự), 1 là số thứ tự của đề mục (đề mục Dân sự thuộc chủ đề Dân sự có số thứ tự 1), LQ là ký hiệu hình thức văn bản, 1 là số của điều trong văn bản được pháp điển.
     Số thứ tự của văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành cùng một hình thức được ghi bằng chữ số Ả Rập, theo thứ tự về thời gian ban hành (từ văn bản được ban hành trước đến văn bản được ban hành sau), bắt đầu từ số 1. Trường hợp mỗi hình thức văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chỉ có một văn bản thì ghi số thứ tự văn bản này là số 1 (một).
     Ví dụ 2: Điều 2 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật khi được pháp điển vào đề mục có số như sau: Điều 44.7.NĐ.1.2.
Trong đó, 44 là số thứ tự của chủ đề (chủ đề 44 là chủ đề Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật), 7 là số thứ tự của đề mục (đề mục Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật thuộc chủ đề 44 có số thứ tự 7), NĐ là ký hiệu hình thức văn bản, 1 là số thứ tự của văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, 2 là số thứ tự của điều trong văn bản được pháp điển.
     Thông tư và Thông tư liên tịch được xác định là hai hình thức văn bản khác nhau (có ký hiệu về hình thức khác nhau), do đó, số thứ tự của văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là Thông tư và Thông tư liên tịch được đánh riêng, phân biệt.
     (2) Tên gọi của điều: Là tên gọi của điều tương ứng trong văn bản được pháp điển.
     Ví dụ 3: Điều 9.1.LQ.1 trong Ví dụ 1 trên có tên gọi là "Nhiệm vụ và phạm vi điều chỉnh của Bộ luật dân sự" (là tên gọi của Điều 1 Bộ luật dân sự năm 2005).
     - Đối với văn bản không được bố cục theo điều, cơ quan thực hiện pháp điển phân loại nội dung của văn bản và nội dung liên quan nhất trong đề mục để xác định số, tên và nội dung của điều trong đề mục (điểm c khoản 3 Điều 7 Thông tư số 13/2014/TT-BTP).
 
Chung nhan Tin Nhiem Mang