Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Quản lý và sử dụng con dấu
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Quản lý và sử dụng con dấu

Thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Công an đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Quản lý và sử dụng con dấu (Đề mục số 12 thuộc Chủ đề 39. Trật tự, an toàn xã hội). Đến nay, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong Đề mục Quản lý và sử dụng con dấu, đồng thời đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định. Sau đó, Bộ Công an sẽ chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và gửi Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua theo chủ đề “Trật tự, an toàn xã hội”.
Bộ Công an xác định có 02 văn bản có nội dung thuộc Đề mục (thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Công an) và 04 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục. Đề mục Quản lý và sử dụng con dấu có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Nghị định số 99/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu, gồm 04 chương với 28 điều.
Đề mục Quản lý và sử dụng con dấu có các nội dung chính như sau:
 - Chương I quy định những vấn đề chung như: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Nguyên tắc quản lý và sử dụng con dấu; Điều kiện sử dụng con dấu; Các hành vi bị nghiêm cấm
- Chương II  gồm 03 mục quy định cụ thể như sau:
+ Mục 1 quy định về con dấu có hình quốc huy, con dấu có hình biểu tượng, con dấu không có hình biểu tượng như: Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước sử dụng con dấu có hình Quốc huy; Cơ quan, tổ chức sử dụng con dấu có hình biểu tượng hoặc con dấu không có hình biểu tượng.
+ Mục 2 quy định về con dấu của cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam  như: Con dấu cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài (Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, bộ phận lãnh sự, bộ phận tùy viên quân sự và bộ phận khác trực thuộc cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam trước khi sử dụng con dấu có trách nhiệm thông báo mẫu con dấu với Bộ Ngoại giao Việt Nam); Con dấu tổ chức nước ngoài không có chức năng ngoại giao (Tổ chức nước ngoài không có chức năng ngoại giao được mang con dấu từ nước ngoài vào Việt Nam để sử dụng, mẫu con dấu mang vào không được sử dụng các hình ảnh, biểu tượng, tên của Nhà nước Việt Nam và cơ quan, tổ chức Việt Nam hoặc vi phạm truyền thống lịch sử văn hóa, đạo đức và thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Trước khi sử dụng con dấu phải thực hiện đăng ký mẫu con dấu tại cơ quan đăng ký mẫu con dấu quy định tại Điều 12 Nghị định và hồ sơ đăng ký mẫu con dấu theo quy định tại khoản 10 Điều 13 Nghị định; Trường hợp tổ chức nước ngoài không mang con dấu vào Việt Nam mà đề nghị làm con dấu tại Việt Nam thì thực hiện thủ tục đăng ký mẫu con dấu tại cơ quan đăng ký mẫu con dấu quy định tại Điều 12 Nghị định và hồ sơ đăng ký mẫu con dấu theo quy định tại khoản 10 Điều 13 Nghị định).
+ Mục 3 quy định về đăng ký mẫu con dấu; thu hồi, hủy con dấu và hủy giá trị sử dụng con dấu  như: Trình tự, thủ tục nộp, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả (1. Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục về con dấu theo quy định cho cơ quan đăng ký mẫu con dấu quy định tại Điều 12 Nghị định theo một trong các hình thức sau: Nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ của cơ quan đăng ký mẫu con dấu; Nộp hồ sơ qua cổng thông tin điện tử của cơ quan đăng ký mẫu con dấu (trừ các văn bản, giấy tờ không được phép đăng tải qua hệ thống mạng theo quy định của pháp luật; 2. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra thông tin, văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ và thực hiện theo các quy định sau: Trường hợp hồ sơ hợp lệ, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải ghi giấy biên nhận hồ sơ, ghi rõ ngày tiếp nhận hồ sơ, ngày trả kết quả và giao trực tiếp cho người được cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước cử đến liên hệ nộp hồ sơ; Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thông báo ngay và hướng dẫn để cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước hoàn thiện hồ sơ; Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện theo quy định, cơ quan đăng ký mẫu con dấu phải có văn bản trả lời cơ quan, tổ chức theo thời hạn quy định về việc từ chối giải quyết hồ sơ; Trường hợp nộp hồ sơ qua cổng thông tin điện tử, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải thông báo kết quả xử lý hồ sơ đối với các trường hợp theo quy định qua địa chỉ thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ trước đó; 3. Người được cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước cử đến liên hệ nộp hồ sơ phải có giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền, xuất trình thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng; 4. Văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu theo quy định của pháp luật; 5. Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước khi nộp hồ sơ đề nghị đổi, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu phải xuất trình con dấu đã được đăng ký trước đó để cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu kiểm tra, đăng ký theo quy định; 6. Tổ chức nước ngoài mang con dấu vào Việt Nam sử dụng, khi nộp hồ sơ phải nộp con dấu đã mang vào cho cơ quan đăng ký mẫu con dấu để kiểm tra, đăng ký theo quy định; 7. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết, cơ quan đăng ký mẫu con dấu có trách nhiệm trả kết quả đăng ký mẫu con dấu mới, đăng ký lại mẫu con dấu, đăng ký thêm con dấu, đăng ký dấu nổi, dấu thu nhỏ, dấu xi; cấp, đổi, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu); Cơ quan đăng ký mẫu con dấu; Hồ sơ đăng ký mẫu con dấu mới; Hồ sơ đăng ký dấu nổi, dấu thu nhỏ, dấu xi; Hồ sơ đề nghị đăng ký lại mẫu con dấu; Hồ sơ đề nghị đăng ký thêm con dấu; Hồ sơ đề nghị đổi, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu; Giao nộp, thu hồi, hủy con dấu và hủy giá trị sử dụng con dấu.
- Chương III quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý và sử dụng con dấu như: Trách nhiệm của Bộ Công an; Trách nhiệm của cơ quan đăng ký mẫu con dấu; Trách nhiệm của các bộ có liên quan; Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp; Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cấp giấy đăng ký hoạt động hoặc cấp giấy phép hoạt động hoặc công nhận hoạt động đối với cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng con dấu; Kiểm tra việc quản lý và sử dụng con dấu.
- Chương IV quy định về điều khoản thi hành như: Hiệu lực thi hành; Quy định chuyển tiếp và Trách nhiệm thi hành.
 Như vậy, thông qua việc pháp điển Đề mục Quản lý và sử dụng con dấu đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về quản lý và sử dụng con dấu đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Ngoài ra, một số quy định trong Đề mục Quản lý và sử dụng con dấu còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn có liên quan đến nhau./.
Chung nhan Tin Nhiem Mang