Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Người khuyết tật
Thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Người khuyết tật (Đề mục 3 Chủ đề 6. Chính sách xã hội). Đến nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong Đề mục Người khuyết tật, đồng thời đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định. Sau đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và gửi Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua theo chủ đề “Chính sách xã hội”.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xác định có 13 văn bản có nội dung thuộc Đề mục và 64 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục. Đề mục Người khuyết tật có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Người khuyết tật số 51/2010/QH12 ngày 17/6/2010 của Quốc hội, gồm 10 chương với 53 điều và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật. Đề mục Người khuyết tật có các nội dung chính như sau:
- Chương I quy định những vấn đề chung như: Phạm vi điều chỉnh; Giải thích từ ngữ; Dạng tật và mức độ khuyết tật; Quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật; Chính sách của Nhà nước về người khuyết tật; Xã hội hóa hoạt động trợ giúp người khuyết tật; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân; Trách nhiệm của gia đình; Tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật; Quỹ trợ giúp người khuyết tật; Ngày người khuyết tật Việt Nam; Hợp tác quốc tế về người khuyết tật; Thông tin, truyền thông, giáo dục; Những hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó, Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Kỳ thị người khuyết tật là thái độ khinh thường hoặc thiếu tôn trọng người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó. Phân biệt đối xử người khuyết tật là hành vi xa lánh, từ chối, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó. Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục chung người khuyết tật với người không khuyết tật trong cơ sở giáo dục. Giáo dục chuyên biệt là phương thức giáo dục dành riêng cho người khuyết tật trong cơ sở giáo dục. Giáo dục bán hòa nhập là phương thức giáo dục kết hợp giữa giáo dục hòa nhập và giáo dục chuyên biệt cho người khuyết tật trong cơ sở giáo dục. Sống độc lập là việc người khuyết tật được tự chủ quyết định những vấn đề có liên quan đến cuộc sống của chính bản thân. Tiếp cận là việc người khuyết tật sử dụng được công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp để có thể hòa nhập cộng đồng. Dạng tật bao gồm: Khuyết tật vận động; Khuyết tật nghe, nói; Khuyết tật nhìn; Khuyết tật thần kinh, tâm thần; Khuyết tật trí tuệ; Khuyết tật khác.Người khuyết tật được chia theo mức độ khuyết tật sau đây: Người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày; Người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày; Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
- Chương II quy định về xác nhận khuyết tật xác định: Trách nhiệm xác định mức độ khuyết tật; Hội đồng xác định mức độ khuyết tật; Phương pháp xác định mức độ khuyết tật; Thủ tục xác định mức độ khuyết tật; Giấy xác nhận khuyết tật; Xác định lại mức độ khuyết tật. Việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện.Trong các trường hợp sau đây thì việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng giám định y khoa thực hiện: Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật; Người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật; Có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, chính xác. Trường hợp đã có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động thì việc xác định mức độ khuyết tật theo quy định của Chính phủ.
- Chương III quy định về chăm sóc sức khoẻ như: Chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nơi cư trú; Khám bệnh, chữa bệnh; Trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng; Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; Nghiên cứu khoa học, đào tạo chuyên gia, kỹ thuật viên, sản xuất trang thiết bị dành cho người khuyết tật. Trạm y tế cấp xã có trách nhiệm sau đây: Triển khai các hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật; hướng dẫn người khuyết tật phương pháp phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng; Lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người khuyết tật; Khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với phạm vi chuyên môn cho người khuyết tật. Kinh phí để thực hiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này do ngân sách nhà nước bảo đảm. Nhà nước bảo đảm để người khuyết tật được khám bệnh, chữa bệnh và sử dụng các dịch vụ y tế phù hợp. Người khuyết tật được hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Gia đình người khuyết tật có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật được khám bệnh, chữa bệnh. Người khuyết tật là người mắc bệnh tâm thần ở trạng thái kích động, trầm cảm, có ý tưởng, hành vi tự sát hoặc gây nguy hiểm cho người khác được hỗ trợ sinh hoạt phí, chi phí đi lại và chi phí điều trị trong thời gian điều trị bắt buộc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Khuyến khích tổ chức, cá nhân hỗ trợ thực hiện khám bệnh, chữa bệnh cho người khuyết tật. Cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng là cơ sở cung cấp dịch vụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng bao gồm: Viện chỉnh hình, phục hồi chức năng; Trung tâm chỉnh hình, phục hồi chức năng; Bệnh viện điều dưỡng, phục hồi chức năng; Khoa phục hồi chức năng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Bộ phận phục hồi chức năng của cơ sở bảo trợ xã hội; Cơ sở khác. Việc thành lập và hoạt động của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng được thực hiện theo quy định của pháp luật. Nhà nước bảo đảm việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật đối với cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng công lập.
- Chương IV quy định về vấn đề giáo dục như: Giáo dục đối với người khuyết tật; Phương thức giáo dục người khuyết tật; Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và nhân viên hỗ trợ giáo dục; Trách nhiệm của cơ sở giáo dục; Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng của người khuyết tật. Người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với độ tuổi quy định đối với giáo dục phổ thông; được ưu tiên trong tuyển sinh; được miễn, giảm một số môn học hoặc nội dung và hoạt động giáo dục mà khả năng của cá nhân không thể đáp ứng; được miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo, các khoản đóng góp khác; được xét cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập. Người khuyết tật được cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập dành riêng trong trường hợp cần thiết; người khuyết tật nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu; người khuyết tật nhìn được học bằng chữ nổi Braille theo chuẩn quốc gia.
- Chương V quy định về dạy nghề và việc làm như: Dạy nghề đối với người khuyết tật; Việc làm đối với người khuyết tật; Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật; Chính sách nhận người khuyết tật vào làm việc. Nhà nước bảo đảm để người khuyết tật được tư vấn học nghề miễn phí, lựa chọn và học nghề theo khả năng, năng lực bình đẳng như những người khác. Cơ sở dạy nghề có trách nhiệm cấp văn bằng, chứng chỉ, công nhận nghề đào tạo khi người khuyết tật học hết chương trình đào tạo và đủ điều kiện theo quy định của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề. Cơ sở dạy nghề tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật phải bảo đảm điều kiện dạy nghề cho người khuyết tật và được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật. Người khuyết tật học nghề, giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
- Chương VI quy định về văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch bao gồm hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch đối với người khuyết tật; Tổ chức hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch của người khuyết tật; Trách nhiệm của cơ sở văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch. Nhà nước hỗ trợ hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch phù hợp với đặc điểm của người khuyết tật; tạo điều kiện để người khuyết tật được hưởng thụ văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch. Người khuyết tật đặc biệt nặng được miễn, người khuyết tật nặng được giảm giá vé và giá dịch vụ khi sử dụng một số dịch vụ văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch theo quy định của Chính phủ. Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho người khuyết tật phát triển tài năng, năng khiếu về văn hóa, nghệ thuật và thể thao; tham gia sáng tác, biểu diễn nghệ thuật, tập luyện, thi đấu thể thao.Nhà nước hỗ trợ hoạt động thiết kế, chế tạo và sản xuất dụng cụ, trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân thiết kế, chế tạo, sản xuất dụng cụ, trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch phù hợp với người khuyết tật.
- Chương VII quy định về nhà chung cư, công trình công cộng, giao thông, công nghệ thông tin và truyền thông như: Nhà chung cư và công trình công cộng; Lộ trình cải tạo nhà chung cư, công trình công cộng; Tham gia giao thông của người khuyết tật; Phương tiện giao thông công cộng; Công nghệ thông tin và truyền thông. Việc phê duyệt thiết kế, xây dựng, nghiệm thu công trình xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp nhà chung cư, trụ sở làm việc và công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội phải tuân thủ hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng để bảo đảm người khuyết tật tiếp cận. Nhà chung cư, trụ sở làm việc và công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng, công trình hạ tầng xã hội được xây dựng trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa bảo đảm các điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật phải được cải tạo, nâng cấp để bảo đảm điều kiện tiếp cận theo lộ trình quy định tại Điều 40 của Luật này.
- Chương VIII quy định về bảo trợ xã hội gồm: Trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng; Nuôi dưỡng người khuyết tật trong cơ sở bảo trợ xã hội; Chế độ mai táng phí; Cơ sở chăm sóc người khuyết tật; Trách nhiệm của cơ sở chăm sóc người khuyết tật.. Đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm: Người khuyết tật đặc biệt nặng, trừ trường hợp quy định tại Điều 45 của Luật này; Người khuyết tật nặng. Đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng bao gồm: Gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó; Người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng; Người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này là trẻ em, người cao tuổi được hưởng mức trợ cấp cao hơn đối tượng khác cùng mức độ khuyết tật. Mức trợ cấp xã hội hàng tháng, mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng đối với từng loại đối tượng theo quy định tại Điều này do Chính phủ quy định. Người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội. Nhà nước cấp kinh phí nuôi dưỡng người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này cho các cơ sở bảo trợ xã hội bao gồm: Trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng; Mua sắm tư trang, vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày; Mua thẻ bảo hiểm y tế; Mua thuốc chữa bệnh thông thường; Mua dụng cụ, phương tiện hỗ trợ phục hồi chức năng; Mai táng khi chết; Vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với người khuyết tật là nữ.
- Chương IX quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước về công tác người khuyết tật bao gồm: Cơ quan quản lý nhà nước về công tác người khuyết tật; Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các cấp. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác người khuyết tật. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác người khuyết tật. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước về công tác người khuyết tật. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về công tác người khuyết tật. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm sau đây: Xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án, kế hoạch về công tác người khuyết tật; Chủ trì và phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về người khuyết tật; chương trình, đề án, kế hoạch về công tác người khuyết tật; Xây dựng và trình Chính phủ ban hành thủ tục, hồ sơ, thời gian và quy trình giải quyết chế độ trợ cấp xã hội, chế độ mai táng phí; quy trình, thủ tục, hồ sơ tiếp nhận và điều kiện dừng nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật trong cơ sở chăm sóc người khuyết tật; Xây dựng và trình Chính phủ ban hành quy định về chế độ, chính sách đối với người làm công tác người khuyết tật; cán bộ, công chức, nhân viên chăm sóc, nhân viên phục hồi chức năng, cán bộ chuyên trách của tổ chức người khuyết tật; Quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, nhân viên chăm sóc người khuyết tật trong cơ sở chăm sóc người khuyết tật; Đào tạo nghiệp vụ cán bộ, công chức, nhân viên làm công tác người khuyết tật và nhân viên chăm sóc người khuyết tật tại gia đình, cộng đồng và trong cơ sở chăm sóc người khuyết tật; Xây dựng và thực hiện chương trình nâng cao nhận thức về người khuyết tật và công tác người khuyết tật; Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về người khuyết tật; Thực hiện hợp tác quốc tế về người khuyết tật; Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án trợ giúp người khuyết tật; Thực hiện khảo sát, thống kê, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu và thông tin, định kỳ công bố báo cáo về người khuyết tật; Quy hoạch và quản lý hệ thống cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng và cơ sở chăm sóc người khuyết tật thuộc thẩm quyền. Bộ Y tế có trách nhiệm sau đây: Thực hiện quản lý nhà nước về chăm sóc sức khỏe người khuyết tật; Chủ trì và phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết hoạt động phục hồi chức năng người khuyết tật; đào tạo về phục hồi chức năng; thực hiện chương trình phòng ngừa khuyết tật; hướng dẫn thực hiện phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đối với người khuyết tật. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm sau đây: Thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đối với người khuyết tật; Quy định chuẩn quốc gia về ngôn ngữ ký hiệu và chữ nổi Braille cho người khuyết tật; Thực hiện quy hoạch hệ thống các cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; Đào tạo giáo viên, nhân viên hỗ trợ giáo dục, biên soạn chương trình, tài liệu, giáo trình và sách giáo khoa áp dụng cho người học là người khuyết tật; chỉ đạo nghiên cứu, sản xuất và cung ứng thiết bị dạy học phù hợp với từng dạng tật và mức độ khuyết tật; Chủ trì và phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế thực hiện chương trình giáo dục đặc biệt đối với trẻ em khuyết tật. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về công tác văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch đối với người khuyết tật; chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người khuyết tật. Bộ Xây dựng có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng nhà ở chung cư, trụ sở làm việc, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kết cấu hạ tầng giao thông, các công cụ hỗ trợ và chính sách ưu tiên người khuyết tật tham gia giao thông công cộng. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếp cận thông tin đối với người khuyết tật; chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thông tin đại chúng thực hiện tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì và phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định khuyến khích nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật sử dụng. Bộ Tài chính bố trí ngân sách thực hiện các chính sách, chương trình, đề án, dự án trợ giúp người khuyết tật; bố trí ngân sách điều tra, khảo sát và thống kê người khuyết tật theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, phê duyệt các dự án nhà nước đầu tư chăm sóc, nuôi dưỡng, chỉnh hình, phục hồi chức năng người khuyết tật; chủ trì và phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội điều tra, khảo sát và thống kê người khuyết tật. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về công tác người khuyết tật; lồng ghép công tác người khuyết tật vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bảo đảm điều kiện để người khuyết tật thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình; tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ người khuyết tật.
- Chương X quy định về điều khoản thi hành bao gồm: Áp dụng pháp luật; Hiệu lực thi hành; Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. gười khuyết tật đang hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng thì không hưởng chính sách quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật này nhưng được hưởng chính sách quy định tại Luật này nếu pháp luật về người có công với cách mạng hoặc pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa quy định. Người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng nhiều chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội cùng loại chỉ được hưởng một chính sách trợ giúp cao nhất. Người khuyết tật đang được hưởng chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc tại cơ sở bảo trợ xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thì được tiếp tục nuôi dưỡng, chăm sóc tại cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 45 của Luật này.
Như vậy, thông qua việc pháp điển Đề mục Người khuyết tật đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về Người khuyết tật đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Ngoài ra, một số quy định trong Đề mục Người khuyết tật còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn có liên quan đến nhau./.
Huỳnh Hữu Phương