Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Thắng đã giới thiệu về vai trò, ý nghĩa cũng như thông tin khái quát về công tác xây dựng Bộ pháp điển của Việt Nam hiện nay. Trong bối cảnh hệ thống pháp luật Việt Nam với số lượng lớn và phức tạp thì việc xây dựng Bộ pháp điển là hết sức cần thiết, góp phần tạo bước chuyển biến mới về chất của hệ thống pháp luật, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN. Bộ pháp điển giúp cá nhân, tổ chức tiện lợi trong việc tìm kiếm, tra cứu, thỏa mãn nhu cầu sử dụng và tìm hiểu các quy định của pháp luật; bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật; góp phần nâng cao tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống QPPL; tạo thuận lợi trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Cho đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành 246/271 đề mục, đạt hơn 90% khối lượng Bộ pháp điển (trong đó, Chính phủ đã thông qua 219/271 đề mục). Với sự quyết tâm của các bộ, ngành, việc xây dựng và hoàn thành Bộ pháp điển có thể “về đích sớm” trước 01 năm so với lộ trình đã đặt ra. Theo đó, Bộ Tư pháp đặt quyết tâm cùng với các bộ, ngành liên quan tập trung cao độ để hoàn thành Bộ pháp điển trong năm 2022.
|
|
Tiếp theo, đồng chí Trần Thanh Loan - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Pháp điển và hợp nhất văn bản QPPL (Cục Kiểm tra văn bản QPPL) đã giới thiệu và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển. Đồng chí Trần Thanh Loan đã tập trung hướng dẫn cách thức khai thác, sử dụng Bộ pháp điển theo cấu trúc, chủ đề, đề mục, danh mục văn bản và tra cứu theo từ khóa.
|
|
Các đại biểu tham dự đánh giá cao về sự cần thiết xây dựng Bộ pháp điển và ghi nhận Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã tổ chức triển khai thực hiện Pháp lệnh pháp điển một cách hiệu quả, chất lượng, vượt tiến độ đề ra giúp Bộ pháp điển sớm đi vào cuộc sống. Bộ pháp điển đã bước đầu được xã hội đón nhận, khai thác và sử dụng. Đặc biệt, giới luật sư, doanh nghiệp, giới nghiên cứu, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan quản lý nhà nước đã từng bước chuyển từ thói quen khai thác, sử dụng văn bản QPPL riêng lẻ sang khai thác, sử dụng Bộ pháp điển và coi Bộ pháp điển là một trong những công cụ hữu hiệu, dễ dàng hỗ trợ giải quyết công việc. Theo số liệu thống kê trên Cổng thông tin điện tử pháp điển, tính đến ngày 02/6/2022 đã có hơn 7 triệu lượt truy cập Bộ pháp điển. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng có một số mong muốn và đề xuất Bộ Tư pháp tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cá nhân, tổ chức khai thác, sử dụng Bộ pháp điển thông qua một số hoạt động cụ thể như: Tổ chức các Hội nghị tuyên truyền, giới thiệu Bộ pháp điển; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, triển khai các giải pháp đồng bộ, toàn diện trong giai đoạn tới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của Bộ pháp điển.
|
|
Kết thúc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Thắng mong muốn các đại biểu tích cực khai thác, sử dụng Bộ pháp điển, giới thiệu, lan tỏa Bộ pháp điển đến đồng nghiệp để Bộ pháp điển sớm đi vào cuộc sống, đồng thời, tham gia góp ý thêm để Bộ pháp điển tiếp tục được hoàn thiện, trở thành kênh tra cứu, áp dụng pháp luật hiệu quả dành cho các cán bộ, công chức, viên chức, luật sư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và một số tỉnh lân cận./.