Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Tham vấn, lấy ý kiến góp ý hoàn thiện thể chế và cấu trúc Bộ pháp điển”
Sign In

Tin hoạt động

Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Tham vấn, lấy ý kiến góp ý hoàn thiện thể chế và cấu trúc Bộ pháp điển”

Ngày 12/9/2023, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Tham vấn, lấy ý kiến góp ý hoàn thiện thể chế và cấu trúc Bộ pháp điển” tại Hà Nội do đồng chí Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL chủ trì. Tham dự Hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan thực hiện pháp điển, một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và thành viên Tổ soạn thảo Đề án.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL đánh giá Bộ pháp điển hiện nay đã hoàn thành hơn 98% khối lượng, đạt được mục tiêu lộ trình xây dựng Bộ pháp điển đề ra, bước đầu được xã hội đón nhận, khai thác và sử dụng. Trong thời gian tới, để tiếp tục hoàn thiện Bộ pháp điển, đưa Bộ pháp điển thực sự đi vào cuộc sống, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Tham vấn, lấy ý kiến góp ý hoàn thiện thể chế và cấu trúc Bộ pháp điển”, đồng thời, tập trung trao đổi, thảo luận vào những nội dung trong Dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển” dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10/2023.
Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã khái quát tình hình xây dựng Bộ pháp điển, những khó khăn, hạn chế của Bộ pháp điển hiện nay và trình bày các nội dung cơ bản của Dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển”.
Công tác pháp điển hệ thống QPPL là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động có vai trò quan trọng và có mối liên hệ mật thiết với công tác xây dựng, rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL, là một hoạt động không thể thiếu trong công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Theo đó, công tác pháp điển hệ thống QPPL giúp bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác pháp điển còn một số hạn chế gây bất cập, khó khăn trong việc khai thác, sử dụng Bộ pháp điển: (1) Bộ pháp điển còn tồn tại một số sai sót, chưa bảo đảm đầy đủ hệ thống QPPL còn hiệu lực; (2) kỹ thuật pháp điển còn một số hạn chế chưa bảo đảm Bộ pháp điển được sắp xếp hợp lý, khoa học, thuận lợi trong tra cứu; (3) công tác tuyên truyền, phổ biến Bộ pháp điển chưa phát huy tính hiệu quả, chất lượng; (4) việc ứng dụng công nghệ thông tin vào duy trì, quản lý và  khai thác, sử dụng Bộ pháp điển còn nhiều bất cập nhưng chưa được tăng cường, cập nhật thường xuyên và (5) các điều kiện nhân sự, kinh phí và điều kiện khác thực hiện công tác pháp điển chưa được bảo đảm. Để khắc phục tồn tại, hạn chế của Bộ pháp điển hiện nay và phát huy tính hữu ích, tiện lợi của Bộ pháp điển mang lại, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Dự thảo Đề án Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển.
Dự thảo Đề án gồm những nội dung cơ bản: Mục tiêu, quan điểm chỉ đạo; các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng Bộ pháp điển, đưa Bộ pháp điển sớm đi vào cuộc sống; phân công thực hiện. Nhiệm vụ và giải pháp của Đề án bao gồm các nội dung chính như sau: (i) rà soát, hoàn thiện Bộ  pháp điển bảo đảm chính xác, đầy đủ theo quy định; (ii) nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật pháp điển bảo đảm Bộ pháp điển sắp xếp hợp lý, khoa học hơn, thuận lợi trong tra cứu; (iii) tuyên truyền, phổ biến Bộ pháp điển hiệu quả, chất lượng; (iv) tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào duy trì, quản lý và khai thác, sử dụng Bộ pháp điển và (v) tăng cường các điều kiện bảo đảm cho công tác pháp điển.
Tiếp theo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về những hạn chế, bất cập trong thể chế và cấu trúc Bộ pháp điển, góp ý trực tiếp đối với các nội dung của Dự thảo Đề án. Các ý kiến phát biểu tập trung vào việc đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục toàn diện hạn chế, bất cập của Bộ pháp điển hiện nay, bảo đảm tính triệt để, khả thi, đồng bộ và cần có sự vào cuộc, quyết tâm cao của các cơ quan thực hiện pháp điển, các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan trong quá trình triển khai, thực hiện Đề án.
Kết thúc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Duy Thắng đánh giá Hội thảo đã diễn ra với tinh thần tích cực, các ý kiến góp ý, đề xuất tại Hội thảo thẳng thắn, đầy tâm huyết nhằm phát huy đúng vai trò, giá trị của Bộ pháp điển, đưa Bộ pháp điển thực sự đi vào cuộc sống. Đây là nhiệm vụ cũng là thách thức của Bộ Tư pháp và các bộ, ngành. Đồng chí Nguyễn Duy Thắng đề nghị các cơ quan thực hiện pháp điển, các thành viên Tổ soạn thảo tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, tham gia góp ý hoàn thiện Dự thảo Đề án, Cục Kiểm tra văn bản QPPL - bộ phận thường trực Tổ soạn thảo tổng hợp các ý kiến tại Hội thảo và Bảng khảo sát trực tuyến, nghiên cứu tiếp thu, sớm hoàn thiện dự thảo Đề án để báo cáo Lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ theo kế hoạch./.
Hoàng Như Quỳnh
Chung nhan Tin Nhiem Mang