Hội thảo “Tham vấn, lấy ý kiến góp ý hoàn thiện thể chế và cấu trúc Bộ pháp điển” tại Đà Nẵng
Sign In

Tin hoạt động

Hội thảo “Tham vấn, lấy ý kiến góp ý hoàn thiện thể chế và cấu trúc Bộ pháp điển” tại Đà Nẵng

Ngày 20/4/2023, Cục Kiểm tra văn bản QPPL tổ chức Hội thảo “Tham vấn, lấy ý kiến góp ý hoàn thiện thể chế và cấu trúc Bộ pháp điển” tại Đà Nẵng do đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL chủ trì. Tham dự Hội thảo có sự tham gia của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các quận, huyện; các sở, ban, ngành; Tòa án nhân dân; Viện Kiểm sát nhân dân các cấp, Đoàn luật sư, Hội Luật gia, một số trưởng Đại học có chuyên ngành luật trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng và một số Sở Tư pháp lân cận.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Duy Thắng đã nêu qua về kết quả xây dựng Bộ pháp điển hiện nay. Đến nay, sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Bộ pháp điển đã có 265/271 đề mục được hoàn thành, đạt 97% khối lượng Bộ pháp điển. Đây là kết quả của sự quyết tâm, nỗ lực của Bộ Tư pháp và các bộ, ngành trong công tác xây dựng Bộ pháp điển hoàn thành vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ pháp điển vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Nhằm khắc phục những hạn chế của Bộ pháp điển hiện nay và phát huy tính hữu ích, vai trò, giá trị của Bộ pháp điển mang lại, đưa Bộ pháp điển thực sự đi vào cuộc sống, việc tổ chức Hội thảo tham vấn, lấy ý kiến góp ý hoàn thiện thể chế và cấu trúc Bộ pháp điển là rất cần thiết và đề nghị các đại biểu tại Hội thảo đóng góp nhiều ý kiến để Bộ Tư pháp nghiên cứu tiếp thu và hoàn thiện Bộ pháp điển trong thời gian tới.
Tại hội thảo, đồng chí Trần Thanh Loan, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Pháp điển và hợp nhất văn bản QPPL, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã trình bày khái quát về Bộ pháp điển và công tác xây dựng Bộ pháp điển của Việt Nam. Việt Nam lựa chọn pháp điển hình thức là phù hợp với thực trạng hệ thống pháp luật cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Bộ pháp điển Việt Nam là tập hợp các QPPL đang còn hiệu lực do các cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành; các QPPL được sắp xếp theo một cấu trúc logic, khoa học, thống nhất giúp cá nhân, tổ chức dễ dàng tìm kiếm, tra cứu các quy định của pháp luật. Bộ pháp điển là sản phẩm chính thức của Nhà nước, được khai thác, sử dụng miễn phí. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng Bộ pháp điển trong thời gian qua vẫn còn tồn tại, hạn chế về nguồn lực thực hiện, hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển…
Tiếp theo, đồng chí Phùng Thị Hương, Chuyên viên Phòng Pháp điển và hợp nhất văn bản QPPL, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã trình bày nội dung về hoàn thiện thể chế nhằm nâng cao chất lượng của Bộ pháp điển hiện nay, bảo đảm Bộ pháp điển được cập nhật kịp thời, chính xác, đầy đủ và thuận tiện trong tra cứu, sử dụng. Các đại biểu tại Hội thảo cũng đã được nghe về kinh nghiệm pháp điển của một số nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đã thực hiện thành công việc pháp điển hình thức để Việt Nam học tập kinh nghiệm.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về những hạn chế, bất cập về thể chế của Bộ pháp điển và cấu trúc Bộ pháp điển ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả khai thác và sử dụng của Bộ pháp điển. Các đại biểu đóng góp ý kiến, có nhiều đề xuất kiến nghị như: sửa đổi các quy định về kỹ thuật thực hiện pháp điển; có cơ chế bảo đảm cập nhật QPPL mới vào Bộ pháp điển; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin đối với các tính năng tra cứu, khai thác sử dụng Bộ pháp điển, đặc biệt là đẩy mạnh giới thiệu, tuyên truyền, đưa Bộ pháp điển sớm đi vào cuộc sống.
Kết thúc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Duy Thắng đánh giá cao sự tham gia, đóng góp ý kiến của các đại biểu tham dự. Đồng chí Nguyễn Duy Thắng nhấn mạnh việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng Bộ pháp điển và đưa Bộ pháp điển vào cuộc sống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.Vì vậy, trên cơ sở các ý kiến đóng góp của đại biểu tại Hội thảo hôm nay, Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu chỉnh lý và hoàn thiện Bộ pháp điển trong thời gian tới./.
 
Hoàng Như Quỳnh
Chung nhan Tin Nhiem Mang