Hội nghị giới thiệu và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển tại tỉnh Quảng Bình
Sign In

Tin hoạt động

Hội nghị giới thiệu và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển tại tỉnh Quảng Bình

Ngày 13/7/2023, tại tỉnh Quảng Bình, Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công Hội nghị giới thiệu và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển. Chủ trì hội nghị là đồng chí Nguyễn Duy Thắng - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Tại Hội nghị có sự tham dự của đại diện Ủy ban nhân dân; Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp; các sở, ban, ngành, cơ quan Thi hành án dân sự; Đoàn luật sư, đại diện một số văn phòng Luật sư; văn phòng công chứng; các Hiệp hội doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo luật trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Thắng đã nêu tầm quan trọng, ý nghĩa của Bộ pháp điển Việt Nam và sự cần thiết của công tác tuyên truyền, giới thiệu Bộ pháp điển. Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành tổ chức triển khai xây dựng Bộ pháp điển bảo đảm chất lượng và tiến độ. Bộ pháp điển bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và giúp cá nhân, tổ chức dễ dàng trong việc tra cứu có tính hệ thống các quy định pháp luật. Hiện nay, công tác pháp điển đã đạt được nhiều kết quả tích cực, 267/271 đề mục đã hoàn thành (đạt 98,5% khối lượng Bộ pháp điển). Cục Kiểm tra văn bản QPPL tổ chức Hội nghị giới thiệu và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển đến các cán bộ, công chức, luật sư, công chứng viên… trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và mong muốn sau Hội nghị này, Bộ pháp điển sẽ được xã hội biết đến nhiều hơn và sớm đi vào cuộc sống.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Thắng đã giới thiệu khái quát về công tác xây dựng Bộ pháp điển và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển. Cụ thể, các đại biểu được tiếp cận về các hình thức pháp điển; nguyên tắc thực hiện pháp điển; cấu trúc của Bộ Pháp điển; lộ trình và tiến độ xây dựng Bộ Pháp điển. Tiếp đó, các đại biểu đã được hướng dẫn về cách thức khai thác, sử dụng Bộ pháp điển. Bộ pháp điển được khai thác, sử dụng theo các tính năng cụ thể như: tra cứu theo danh mục văn bản, cấu trúc, chủ đề, đề mục và theo từ khóa. Việc thực hành khai thác, tra cứu trực tiếp kết quả pháp điển các chủ đề, đề mục như: Bổ trợ tư pháp, Đất đai… đã giúp các đại biểu nắm được cách thức truy cập Bộ pháp điển, tra cứu cấu trúc, nội dung của các điều trong Bộ pháp điển.
 

Tiếp theo, đồng chí Phùng Thị Hương, Chuyên viên Cục Kiểm tra văn bản QPPL trình bày chuyên đề “Mô hình và cách thức xây dựng Bộ pháp điển CFR của Mỹ và Bộ pháp điển của Pháp - bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”. Công tác xây dựng Bộ pháp điển Việt Nam đã học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung nghiên cứu, học tập có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia đã thực hiện pháp điển thành công cũng như các nước có cách thức, hệ thống quản lý văn bản pháp luật khoa học, hiệu quả… Đặc biệt là kinh nghiệm pháp điển của Cộng hòa Pháp (Pháp) và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (Mỹ) vào việc xác định mô hình, cấu trúc, kỹ thuật, trình tự, thủ tục pháp điển.
 
Một số đại biểu tại Hội nghị cũng đã phản hồi tích cực về các tính năng tìm kiếm trên Bộ pháp điển như: Danh mục văn bản thuộc nội dung đề mục, kỹ thuật chỉ dẫn các QPPL có nội dung liên quan đến nhau trong Bộ pháp điển… Bên cạnh đó, cũng có nhiều đại biểu đóng góp ý kiến hoàn thiện Bộ pháp điển, tập trung vào việc áp dụng công nghệ thông tin và kỹ thuật sắp xếp điều trong Bộ pháp điển, đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất thời gian tới sẽ triển khai tuyên truyền, giới thiệu Bộ pháp điển đến đồng nghiệp tại cơ quan, đơn vị mình làm việc.  
Kết thúc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Thắng ghi nhận các ý kiến trao đổi, góp ý của các đại biểu để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện Bộ pháp điển trong thời gian tới và mong muốn các đại biểu tích cực khai thác, sử dụng Bộ pháp điển, lan tỏa giá trị, ý nghĩa của Bộ pháp điển để xã hội biết đến nhiều hơn, để các tổ chức, cá nhân từng bước thay đổi thói quen từ khai thác, sử dụng văn bản QPPL riêng lẻ sang khai thác, sử dụng Bộ pháp điển và coi Bộ pháp điển là một trong những công cụ hữu hiệu hỗ trợ giải quyết công việc. Đồng thời, đề nghị các đại biểu tiếp tục tham gia góp ý để Bộ pháp điển tiếp tục được hoàn thiện, trở thành kênh tra cứu, áp dụng pháp luật hiệu quả./.
Hoàng Như Quỳnh
Chung nhan Tin Nhiem Mang