Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến góp ý Dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển”
Sign In

Tin hoạt động

Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến góp ý Dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển”

Thực hiện Kế hoạch hợp tác của Bộ Tư pháp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) giai đoạn 2021-2025, ngày 19/9/2023, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến góp ý Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển”.

Tham dự Hội thảo có Ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và Ông Watanabe Yoshitaka, Chuyên gia dài hạn của Dự án JICA - chủ trì cuộc họp; chuyên gia tư vấn, thành viên Tổ soạn thảo Đề án; các đại biểu đại diện một số bộ, ngành và đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
 

Phát biểu khai mạc, Ông Nguyễn Duy Thắng nêu rõ, thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2023 (Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 03/02/2023), Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển”. Hội thảo có ý nghĩa quan trọng để Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - bộ phận thường trực của Tổ soạn thảo lắng nghe các ý kiến trao đổi, thảo luận, góp ý về Bộ pháp điển và hoàn thiện Dự thảo Đề án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt dự kiến vào Tháng 10 tới đây.
Đại diện Tổ soạn thảo xây dựng Đề án, Ông Nguyễn Duy Thắng đã trình bày các nội dung cơ bản của Dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển” và những vấn đề cần tập trung trao đổi, thảo luận, góp ý. Theo đó, nhóm các nhiệm vụ và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển bao gồm: (i) rà soát, hoàn thiện Bộ  pháp điển bảo đảm chính xác, đầy đủ theo quy định; (ii) nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật pháp điển bảo đảm Bộ pháp điển sắp xếp hợp lý, khoa học hơn, thuận lợi trong tra cứu; (iii) tuyên truyền, phổ biến Bộ pháp điển hiệu quả, chất lượng; (iv) tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào duy trì, quản lý và khai thác, sử dụng Bộ pháp điển và (v) tăng cường các điều kiện bảo đảm cho công tác pháp điển.
 

Tại Hội thảo, các chuyên gia, thành viên Tổ soạn thảo và các đại biểu tham dự đã trao đổi, góp ý để Dự thảo tiếp tục được hoàn thiện. Các đại biểu đánh giá Dự thảo Đề án đã nêu đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm khắc phục toàn diện hạn chế, bất cập của Bộ pháp điển hiện nay, nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển. Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Đề án, các chuyên gia và đại biểu tham dự đã góp ý, đề xuất cụ thể vào Dự thảo như: cập nhật QPPL mới vào Bộ pháp điển cần triển khai thực hiện tập trung một đầu mối, các bộ, ngành và địa phương cùng vào cuộc tăng cường giới thiệu, lan toả Bộ pháp điển, việc ứng dụng công nghệ thông tin cần chú trọng vào cách thức thể hiện, sắp xếp các quy phạm pháp điển, việc nghiên cứu thống nhất quản lý, vận hành một trang thông tin pháp luật quốc gia là cần thiết...
Ngoài ra, Hội thảo đã được nghe Ông Watanabe Yoshitaka, Chuyên gia dài hạn của Dự án JICA giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm quản lý hệ thống văn bản pháp luật của Nhật Bản và một số khuyến nghị cho Việt Nam. Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu cung cấp dịch vụ tra cứu dữ liệu văn bản pháp luật miễn phí trên Internet. Dịch vụ này là một phần của Chính phủ điện tử (e-Gov) trên website: http://elaws.e-gov.go.jp. Hệ thống Chính phủ điện tử này do Cục Kỹ thuật số quản lý. Dịch vụ tra cứu văn bản pháp luật trên Chính phủ điện tử là dịch vụ cơ bản do Chính phủ cung cấp, bên cạnh đó các doanh nghiệp tư nhân cũng cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng có tính phí. Tại Nhật Bản, tuyển tập các văn bản pháp luật liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau (công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục, thuế, v.v.) được các nhà xuất bản tư nhân biên soạn, xuất bản và được sử dụng rộng rãi bởi những người làm việc trong Chính phủ cũng như doanh nghiệp tư nhân.
 

Kết thúc Hội thảo, Ông Nguyễn Duy Thắng đã đánh giá các ý kiến phát biểu, góp ý thẳng thắn, đầy tâm huyết nhằm tiếp tục hoàn thiện, phát huy vai trò, giá trị của Bộ pháp điển, đưa Bộ pháp điển thực sự đi vào cuộc sống, đồng thời đề nghị bộ phận thường trực Tổ soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Đề án. Đồng thời, Ông Nguyễn Duy Thắng đã cảm ơn các chuyên gia và đại biểu đã dành thời gian tham dự Hội thảo; cảm ơn sự hỗ trợ, hợp tác của Dự án JICA đối với Bộ Tư pháp nói chung và Cục Kiểm tra văn bản QPPL nói riêng trong thời gian qua.
Vũ Thị Mai
Chung nhan Tin Nhiem Mang