Theo Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Ngoại giao đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam (Đề mục 9 Chủ đề 23. Ngoại giao, điều ước quốc tế); Văn phòng Quốc hội chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Tổ chức Quốc hội (Đề mục 8 Chủ đề 35. Tổ chức bộ máy nhà nước); Tòa án nhân dân tối cao chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Tổ chức Tòa án nhân dân (Đề mục 9 Chủ đề 35. Tổ chức bộ máy nhà nước) và đề mục Phá sản (Đề mục 2 Chủ đề 37. Tố tụng và các phương thức giải quyết tranh chấp). Trên cơ sở đó, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Quốc hội và Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện pháp điển các đề mục đảm bảo đúng theo quy định, cụ thể:
(1) Về trình tự, thủ tục pháp điển của các đề mục: Bộ Ngoại giao, Văn phòng Quốc hội và Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện pháp điển các văn bản thuộc thẩm quyền pháp điển của cơ quan mình trên Phần mềm pháp điển và tổng hợp, hoàn thiện Hồ sơ kết quả pháp điển gửi thẩm định theo quy định.
(2) Về tính chính xác, đầy đủ của QPPL trong các đề mục: Bộ Ngoại giao, Văn phòng Quốc hội và Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát bảo đảm các QPPL đang còn hiệu lực có nội dung thuộc đề mục để đưa vào pháp điển; rà soát, xác định các QPPL có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo để xử lý, kiến nghị xử lý trước khi thực hiện pháp điển theo quy định. Theo đó, Đề mục Quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam có
04 văn bản có nội dung thuộc Đề mục (thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Ngoại giao) và
13 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục; Đề mục Tổ chức Quốc hội có
13[1] văn bản có nội dung thuộc Đề mục (thuộc thẩm quyền của Văn phòng Quốc hội) và
20 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục; Đề mục Tổ chức Tòa án nhân dân có
16[2] văn bản có nội dung thuộc Đề mục (thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao, Văn phòng Quốc hội) và
07[3] văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục; Đề mục Phá sản có
05 văn bản có nội dung thuộc Đề mục (thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp) và
10 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục.
(3) Về sự phù hợp của vị trí QPPL trong các đề mục: Về cơ bản, các đại biểu tham dự đánh giá vị trí của các điều trong dự thảo kết quả pháp điển của các đề mục đã bảo đảm đúng nguyên tắc: Điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sắp xếp ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo thứ bậc hiệu lực pháp lý từ cao xuống thấp và theo trật tự thời gian ban hành đối với các điều của văn bản cùng hiệu lực. Đối với trường hợp một điều quy định chi tiết, hướng dẫn nhiều điều hoặc nhiều điều cùng áp dụng một phụ lục, biểu mẫu thì được thực hiện chỉ dẫn theo quy định.
 |
 |
(4) Về cấu trúc của đề mục: Cấu trúc của đề mục được xây dựng theo cấu trúc của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội thuộc nội dung của đề mục. Theo đó, Đề mục Đề mục Quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam năm 1993, gồm 05 chương với 49 điều; không có sự thay đổi so với cấu trúc của Pháp lệnh; Đề mục Tổ chức Quốc hội có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 ngày 20/11/2014 của Quốc hội, được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Luật số 65/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội, gồm 07 chươg với 103 điều; không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật; Đề mục Tổ chức Tòa án nhân dân có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân số 62/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội, gồm 11 chương với 98 điều; không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật; Đề mục Phá sản có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Phá sản số 51/2014/QH13 ngày 19/6/2014 của Quốc hội, gồm 14 chương với 133 điều; không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật.
Tại cuộc họp, về cơ bản, các thành viên Hội đồng thẩm định ghi nhận và đánh giá cao quá trình thực hiện cũng như chất lượng kết quả pháp điển của 04 đề mục. Tuy nhiên, đối với Đề mục Tổ chức Quốc hội, Hội đồng thẩm định đề nghị Văn phòng Quốc hội pháp điển bổ sung Nghị quyết số 1170/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 17/3/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế hoạt động đối ngoại của Quốc hội vào Đề mục. Ngoài ra, Hội đồng thẩm định đề nghị các cơ quan thực hiện pháp điển tiếp tục rà soát Danh mục văn bản có nội dung liên quan để đảm bảo việc thực hiện chỉ dẫn trực tiếp, cụ thể đến từng điều trong các Đề mục.
 |
 |
Kết luận cuộc họp, trên cơ sở ý kiến của các thành viên của Hội đồng, đồng chí Nguyễn Duy Thắng - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL thay mặt Hội đồng thẩm định nhận định: Kết quả pháp điển 04 đề mục trên bảo đảm các yêu cầu quy định tại Điều 10 Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL. Tuy nhiên, các cơ quan chủ trì thực hiện pháp điển cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định; sớm chỉnh lý, hoàn thiện Hồ sơ, gửi Bộ Tư pháp sắp xếp vào chủ đề, trình Chính phủ thông qua theo quy định./.
[1] Ngoài ra, có 01 văn bản sửa đổi, bổ sung.
[2] Ngoài ra, có 01 văn bản sửa đổi, bổ sung.
[3] Ngoài ra, có 03 văn bản sửa đổi, bổ sung.