4. Thực hiện pháp điển đối với văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành
Sign In

Hướng dẫn nghiệp vụ

4. Thực hiện pháp điển đối với văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành

     Việc pháp điển nội dung của văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành vào đề mục được thực hiện như sau:
     - Sau khi xây dựng cấu trúc đề mục theo bố cục của văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục và đưa toàn bộ nội dung được pháp điển của văn bản đó vào đề mục, cơ quan thực hiện pháp điển lựa chọn, sắp xếp các điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
     Đối với các điều trong văn bản sửa đổi, bổ sung thì pháp điển trên nguyên tắc của văn bản được hợp nhất. Người trực tiếp thực hiện pháp điển cần lưu ý kiểm tra, xem xét việc sắp xếp hợp lý nội dung điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành với điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, tránh việc pháp điển nội dung quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành thuộc đề mục khác. Để sắp xếp một cách hợp lý các nội dung quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, đòi hỏi người thực hiện pháp điển phải xác định được lĩnh vực gốc mà QPPL đó điều chỉnh. Đồng thời xác định QPPL đã có trong đề mục liên quan trực tiếp hoặc liên quan gần nhất đến nội dung quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để sắp xếp sau QPPL đó.
      Ví dụ: Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BQP-BYT-BTC ngày 16/01/2012 hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế đối với người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu và thân nhân người đang làm trong tổ chức cơ yếu, sẽ được pháp điển vào đề mục Bảo hiểm y tế mà không phải đề mục Cơ yếu vì lĩnh vực gốc mà các QPPL trong Thông tư điều chỉnh là bảo hiểm y tế.
      - Trường hợp có nhiều điều của một văn bản cùng quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một điều của văn bản có giá trị pháp lý cao hơn thì sắp xếp các điều này ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành lần lượt theo số thứ tự của các điều trong văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
     - Trường hợp một điều của văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành nhiều điều của văn bản có giá trị pháp lý cao hơn thì sắp xếp điều này ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đầu tiên; đối với các điều còn lại thì được chỉ dẫn đến điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã được sắp xếp ở trên.
     - Trường hợp có nhiều điều của nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một điều của văn bản có giá trị pháp lý cao hơn thì sắp xếp các điều này ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo thứ bậc hiệu pháp lý từ cao xuống thấp hoặc theo thứ tự về thời gian ban hành đối với các văn bản có cùng hình thức.
     - Trường hợp trong văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành có điều không hướng dẫn cụ thể điều nào của văn bản được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành thì sắp xếp điều này ngay sau điều có nội dung liên quan nhất của văn bản được quy quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
     Ví dụ: Quy định trong văn bản QPPL có nội dung về đảm bảo kinh phí cho một hoạt động cụ thể (Thông tư liên tịch số 192/2013/TTLT-BTC-BTP ngày 13/12/2013 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước đảm bảo cho công tác hợp nhất văn bản QPPL và pháp điển hệ thống QPPL) được bổ sung thành một chương riêng trong đề mục Hợp nhất văn bản QPPL.
     - Về nguyên tắc, các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành của văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sắp xếp ngay sau các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh, đối tượng áp dụng hoặc ngay sau các quy định về tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành của văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục, kể cả trường hợp bổ sung phần, chương, mục.
     - Trường hợp phát hiện quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế trong văn bản thì được xử lý, kiến nghị xử lý theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP như đã nêu trên.
 
Chung nhan Tin Nhiem Mang