Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Chứng khoán
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Chứng khoán

Triển khai thực hiện công tác pháp điển, Bộ Tài chính đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Chứng khoán (Đề mục số 8 thuộc Chủ đề số 19 - Thương mại, đầu tư, chứng khoán). Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hoàn thành việc thực hiện pháp điển đối với Đề mục Chứng khoán. Đề mục này đã được tổ chức họp thẩm định và Bộ Tài chính đã thực hiện chỉnh lý, hoàn thiện kết quả pháp điển Đề mục Chứng khoán, ký xác thực theo quy định để gửi hồ sơ kết quả pháp điển Đề mục đến Bộ Tư pháp (qua Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật) tổng hợp, trình Chính phủ xem xét thông qua trong thời gian tới.
Đề mục Chứng khoán có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Chứng khoán 54/2019/QH14 của Quốc hội và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật (Luật này gồm 10 chương với 135 điều).
Theo đó, Đề mục Chứng khoán được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của 23 văn bản quy phạm pháp luật và ngoài ra, có một số văn bản nghị định, thông tư được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể: Văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 ngày 26/11/2019. Các văn bản khác thuộc đề mục bao gồm: Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán; Nghị định số 158/2020/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh; Nghị định số 59/2021/NĐ-CP quy định một số nội dung đặc thù về cơ chế quản lý tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam; Quyết định số 48/2015/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính; Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg thành lập, tổ chức và hoạt động của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam; Thông tư số 134/2017/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán; Thông tư số 73/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 134/2017/TT-BTC ngày 19 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán; Thông tư số 91/2020/TT-BTC quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với tổ chức kinh đoanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tàỉ chính; Thông tư số 95/2020/TT-BTC hướng dẫn giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán; Thông tư số 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán; Thông tư số 97/2020/TT-BTC hướng dẫn hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam; Thông tư số 98/2020/TT-BTC hướng dẫn hoạt động và quản lý quỹ đầu tư chứng khooán; Thông tư số 99/2020/TT-BTC hướng dẫn về hoạt động của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; Thông tư số 116/2020/TT-BTC hướng dẫn một số điều về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số đỉều của Luật Chứng khoán; Thông tư số 118/2020/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về chào bán, phát hành chứng khoán, chào mua công khai, mua lại cổ phiếu, đăng ký công ty đại chúng và hủy tư cách công ty đại chúng; Thông tư số 119/2020/TT-BTC quy định hoạt động đăng ký, ưu ký, bù trừ và thanh toán gỉao dịch chứng khoán; Thông tư số 120/2020/TT-BTC quy định giao dịch cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán; Thông tư số 121/2020/TT-BTC quy định về hoạt động của công ty chứng khoán; Thông tư số 51/2021/TT-BTC hướng dẫn nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam; Thông tư số 57/2021/TT-BTC quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác; Thông tư số 58/2021/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định số 158/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh; Thông tư số 06/2022/TT-BTC hướng dẫn công tác giám sát tuân thủ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và Thông tư 10/2022/TT-BTC quy định Báo cáo tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước.
Trên cơ sở đó, các nội dung cơ bản trong mỗi chương của Đề mục Chứng khoán do Bộ Tài chính chủ trì thực hiện pháp điển như sau:
- Chương I là những quy định chung, như: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ của Luật Chứng khoán và các văn bản như đã nêu trên (chẳng hạn: Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây: Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký; Chứng khoán phái sinh; Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định. Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành. Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành. Chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đầu tư chứng khoán. Chứng quyền là loại chứng khoán được phát hành cùng với việc phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông nhất định theo mức giá đã được xác định trước trong khoảng thời gian xác định. Chứng quyền có bảo đảm là loại chứng khoán có tài sản bảo đảm do công ty chứng khoán phát hành, cho phép người sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc được quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở với tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm đó theo mức giá đã được xác định trước, tại một thời điểm hoặc trước một thời điểm đã được ấn định hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện. Quyền mua cổ phần là loại chứng khoán do công ty cổ phần phát hành nhằm mang lại cho cổ đông hiện hữu quyền được mua cổ phần mới theo điều kiện đã được xác định. Chứng chỉ lưu ký là loại chứng khoán được phát hành trên cơ sở chứng khoán của tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai. Tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh là chứng khoán, chỉ số chứng khoán hoặc tài sản khác theo quy định của Chính phủ được sử dụng làm cơ sở để xác định giá trị chứng khoán phái sinh. Hợp đồng quyền chọn là loại chứng khoán phái sinh, xác nhận quyền của người mua và nghĩa vụ của người bán để thực hiện một trong các giao dịch sau đây: Mua hoặc bán số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá thực hiện đã được xác định tại thời điểm trước hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai; Thanh toán khoản chênh lệch giữa giá trị tài sản cơ sở đã được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng và giá trị tài sản cơ sở tại thời điểm trước hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai. Hợp đồng tương lai là loại chứng khoán phái sinh niêm yết, xác nhận cam kết giữa các bên để thực hiện một trong các giao dịch sau đây: Mua hoặc bán số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định vào ngày đã xác định trong tương lai; Thanh toán khoản chênh lệch giữa giá trị tài sản cơ sở đã được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng và giá trị tài sản cơ sở vào ngày đã xác định trong tương lai. Hợp đồng kỳ hạn là loại chứng khoán phái sinh giao dịch thỏa thuận, xác nhận cam kết giữa các bên về việc mua hoặc bán số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định vào ngày đã xác định trong tương lai. Hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán bao gồm hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán, công bố thông tin, quản trị công ty đại chúng và các hoạt động khác được quy định tại Luật này. Đầu tư chứng khoán là việc mua, bán, nắm giữ chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư chiến lược là nhà đầu tư được Đại hội đồng cổ đông lựa chọn theo các tiêu chí về năng lực tài chính, trình độ công nghệ và có cam kết hợp tác với công ty trong thời gian ít nhất 03 năm. Cổ đông lớn là cổ đông sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một tổ chức phát hành. Chào bán chứng khoán ra công chúng là việc chào bán chứng khoán theo một trong các phương thức sau đây: Chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng; Chào bán cho từ 100 nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; Chào bán cho các nhà đầu tư không xác định. Chào bán chứng khoán riêng lẻ là việc chào bán chứng khoán không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 19 Điều này và theo một trong các phương thức sau đây: Chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; Chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Tổ chức phát hành là tổ chức thực hiện chào bán, phát hành chứng khoán. Tổ chức kiểm toán được chấp thuận là tổ chức kiểm toán độc lập thuộc danh sách các tổ chức kiểm toán được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận kiểm toán theo quy định của Luật này và pháp luật về kiểm toán độc lập. Bản cáo bạch là tài liệu hoặc dữ liệu điện tử công khai những thông tin chính xác, trung thực, khách quan liên quan đến việc chào bán hoặc niêm yết chứng khoán của tổ chức phát hành. Niêm yết chứng khoán là việc đưa chứng khoán có đủ điều kiện niêm yết vào giao dịch trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán niêm yết. Đăng ký giao dịch là việc đưa chứng khoán vào giao dịch trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết. Hệ thống giao dịch chứng khoán bao gồm hệ thống giao dịch cho chứng khoán niêm yết và hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết, do Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam tổ chức, vận hành. Thị trường giao dịch chứng khoán là địa điểm hoặc hình thức trao đổi thông tin để tập hợp lệnh mua, bán và giao dịch chứng khoán. Kinh doanh chứng khoán là việc thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và cung cấp dịch vụ về chứng khoán theo quy định tại Điều 86 của Luật này. Môi giới chứng khoán là việc làm trung gian thực hiện mua, bán chứng khoán cho khách hàng. Tự doanh chứng khoán là việc công ty chứng khoán mua, bán chứng khoán cho chính mình); nguyên tắc hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; chính sách phát triển thị trường chứng khoán; biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán; giám sát an ninh, an toàn thị trường chứng khoán; ứng phó, khắc phục sự cố, sự kiện, biến động ảnh hưởng đến an toàn, ổn định và tính toàn vẹn của thị trường chứng khoán; tạm ngừng, đình chỉ giao dịch đối với một hoặc một số chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán; các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán; trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm thực hiện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn; quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán; ủy ban chứng khoán nhà nước; nghĩa vụ của sở giao dịch chứng khoán Việt Nam; nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; tài liệu xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
 - Chương II là những quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng và chào bán chứng khoán riêng lẻ. Nhóm các quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng bao gồm: mệnh giá chứng khoán; hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng; điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng; đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng; điều kiện thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng; hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng; bản cáo bạch; báo cáo tài chính; tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận; sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng; thông tin trước khi chào bán chứng khoán ra công chúng; cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng; phân phối chứng khoán; đình chỉ chào bán chứng khoán ra công chúng; hủy bỏ chào bán chứng khoán ra công chúng và nghĩa vụ của tổ chức phát hành,... Nhóm các quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ gồm: chào bán chứng khoán riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng; chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư,...
- Chương III gồm các quy định về công ty đại chúng bao gồm quy định chung, quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng và thị trường giao dịch chứng khoán. Trong đó, nhóm quy định về quy định chung như: công ty đại chúng; hồ sơ đăng ký công ty đại chúng; quyền và nghĩa vụ của công ty đại chúng; chào mua công khai; công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình; báo cáo mua lại cổ phiếu, công bố thông tin và thực hiện việc mua lại cổ phiếu; hủy tư cách công ty đại chúng; hồ sơ hủy tư cách công ty đại chúng,... Nhóm quy định về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng như: nguyên tắc quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng; nội dung quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng,...Nhóm quy định về thị trường giao dịch chứng khoán như: tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán; thành lập và hoạt động của sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con; cơ cấu tổ chức quản lý của sở giao dịch chứng khoán Việt Nam; điều lệ sở giao dịch chứng khoán Việt Nam; quyền và nghĩa vụ của sở giao dịch chứng khoán Việt Nam; thành viên của sở giao dịch chứng khoán Việt Nam; niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán; tạm ngừng, đình chỉ, khôi phục hoạt động giao dịch của sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con; giao dịch chứng khoán; tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
- Chương V gồm các quy định về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán như: thành lập và hoạt động của tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; cơ cấu tổ chức quản lý của tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; điều lệ tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; quyền và nghĩa vụ của tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; thành viên của tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;. điều kiện đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán; hồ sơ đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán; thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán; đình chỉ hoạt động lưu ký chứng khoán, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán; đăng ký chứng khoán; lưu ký chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; xác lập, chuyển quyền sở hữu và quyền khác đối với chứng khoán; bảo vệ tài sản của khách hàng; quỹ hỗ trợ thanh toán; quỹ bù trừ; tạm ngừng, đình chỉ, khôi phục hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán của tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và ngân hàng thanh toán,..
- Chương VI gồm các quy định về công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán với các mục như giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; tổ chức lại, đình chỉ và thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán và hành nghề chứng khoán. Trong đó, nhóm quy định về giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán tập trung vào các vấn đề như: thẩm quyền cấp, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán; đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh; nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán; nghiệp vụ kinh doanh của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán của công ty chứng khoán; điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán của chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam; tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; văn phòng đại diện công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam; hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; điều lệ công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; nội dung giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán; tên của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; công bố thông tin hoạt động; ngày chính thức hoạt động,... Nhóm quy định về hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán bao gồm: duy trì các điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và chi nhánh, văn phòng đại diện công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại việt nam; những hoạt động phải được ủy ban chứng khoán nhà nước chấp thuận; quản lý tài sản của khách hàng; nghĩa vụ của công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam; nghĩa vụ của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam; hạn chế đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam và an toàn tài chính,...nhóm quy định về tổ chức lại, đình chỉ và thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán bao gồm: tổ chức lại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; đình chỉ hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam; thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam; giải thể, phá sản công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam,...quy định về hành nghề chứng khoán bao gồm chứng chỉ hành nghề chứng khoán và trách nhiệm của người hành nghề chứng khoán.
- Chương VII quy định về quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và ngân hàng giám sát trong đó gồm các quy định về các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán; thành lập và tổ chức hoạt động của quỹ đầu tư chứng khoán; quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư tham gia vào quỹ đầu tư; đại hội nhà đầu tư quỹ đầu tư chứng khoán; điều lệ quỹ đầu tư chứng khoán; giải thể quỹ đầu tư chứng khoán; hợp nhất, sáp nhập quỹ đầu tư chứng khoán; xác định giá trị tài sản ròng của quỹ đầu tư chứng khoán; báo cáo về quỹ đầu tư chứng khoán; huy động vốn để thành lập quỹ đại chúng; ban đại diện quỹ đại chúng; hạn chế đối với quỹ đại chúng; quỹ mở; quỹ đóng; thành lập quỹ thành viên; công ty đầu tư chứng khoán; thành lập và hoạt động của công ty đầu tư chứng khoán; ngân hàng giám sát; hạn chế đối với ngân hàng giám sát,..
- Chương VIII quy định về công bố thông tin gồm các quy định như: đối tượng công bố thông tin; nguyên tắc công bố thông tin; công bố thông tin của công ty đại chúng;công bố thông tin của tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng; công bố thông tin của tổ chức niêm yết trái phiếu doanh nghiệp; công bố thông tin của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại việt nam; công bố thông tin về quỹ đại chúng; công bố thông tin về công ty đầu tư chứng khoán đại chúng; công bố thông tin của sở giao dịch chứng khoán việt nam và công ty con, tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán việt nam; công bố thông tin của cổ đông lớn, nhóm người có liên quan sử hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty đại chúng; nhà đầu tư, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng; nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của 01 tổ chức phát hành hoặc từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng; công bố thông tin của người nội bộ và người có liên quan của người nội bộ,..
- Chương IX và Chương X quy định về thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại trong đó bao gồm: thanh tra chứng khoán; nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán; trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán; xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại; hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp./.
Vũ Thị Mai
Chung nhan Tin Nhiem Mang