Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Tố cáo
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Tố cáo

Triển khai thực hiện công tác pháp điển theo quyết định phân công của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019), Thanh tra Chính phủ đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Tố cáo (Đề mục số 5 thuộc Chủ đề số 18 - Khiếu nại, tố cáo). Thanh tra Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hoàn thành việc thực hiện pháp điển đối với Đề mục Tố cáo. Đề mục này đã được tổ chức họp thẩm định và Thanh tra Chính phủ thực hiện chỉnh lý, hoàn thiện kết quả pháp điển Đề mục Tố cáo, ký xác thực và gửi hồ sơ kết quả pháp điển Đề mục đến Bộ Tư pháp (qua Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật) tổng hợp, trình Chính phủ xem xét thông qua theo quy định.
Đề mục Tố cáo có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Tố cáo số 25/2018/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2018 của Quốc hội và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật (Luật này gồm 09 chương với 67 điều) - trong đó, cụm từ “doanh nghiệp nhà nước” tại Điều 19 của Luật Tố cáo năm 2018 được thay thế bằng cụm từ “doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” bởi khoản 3 Điều 217 của Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020.
Theo đó, Đề mục Tố cáo được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của 17 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có một số thông tư được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể như sau: Luật Tố cáo số 25/2018/QH14, có nội dung được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 như vừa nêu trên; Nghị định số 24/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động; Nghị định số 22/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân; Nghị định số 28/2019/NĐ-CP ngày 20 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân; Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo; Thông tư số 40/2013/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Thông tư này được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 25/2019/TT-BGDĐT, Thông tư số 14/2021/TT-BGDĐT); Thông tư số 39/2014/TT-BGTVT ngày 12 tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Thông tư số 01/2015/TT-UBDT ngày 23 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc; Thông tư số 53/2015/TT-BLĐTBXH ngày 11 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về quy trình tiếp công dân và xử lý đơn thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; Thông tư số 03/2016/TT-BTTTT ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về tiếp công dân, xử lý và giải quyết đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh của Bộ Thông tin và Truyền thông; Thông tư số 01/2020/TT-TANDTC ngày 18 tháng 6 năm 2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Tòa án nhân dân; Thông tư số 03/2020/TT-BNV ngày 21 tháng 7 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức; Thông tư số 85/2020/TT-BCA ngày 03 tháng 8 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân; Thông tư số 08/2020/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động (Thông tư này được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 09/2021/TT-BLĐTBXH); Thông tư số 129/2020/TT-BCA ngày 08 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân; Thông tư số 145/2020/TT-BCA ngày 29 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí; Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Tổng Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh.  
  Trên cơ sở đó, các nội dung cơ bản trong mỗi chương của Đề mục Tố cáo do Thanh tra Chính phủ chủ trì thực hiện pháp điển như sau:
- Chương I gồm những quy định chung, như: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ của Luật Tố cáo năm 2018 và của một số văn bản nêu trên (chẳng hạn: Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân - gồm có hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; Giải quyết tố cáo là việc thụ lý, xác minh, kết luận nội dung tố cáo và xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo; Bảo vệ việc làm của người được bảo vệ là việc cơ quan có thẩm quyền tiến hành xem xét, ra quyết định áp dụng biện pháp cần thiết quy định tại khoản 2 Điều 57 Luật Tố cáo); Áp dụng pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo, trong đó thì việc tiếp nhận, giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự và việc giải quyết tố cáo thông qua hoạt động của Đoàn thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra, các quy định khác có liên quan; Nguyên tắc giải quyết tố cáo (phải kịp thời, chính xác, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm an toàn cho người tố cáo, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo); Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo (như: Tổ chức việc tiếp nhận và giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm an toàn cho người tố cáo; xử lý nghiêm minh người có hành vi vi phạm pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo khi chưa có kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo; trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo mà không tiếp nhận, không giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật, thiếu trách nhiệm trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo hoặc giải quyết tố cáo trái pháp luật thì phải bị xử lý nghiêm minh; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật); Trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc giải quyết tố cáo (trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm phối hợp với người giải quyết tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật; áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo theo thẩm quyền; xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật theo kết luận nội dung tố cáo; xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tố cáo); Chấp hành quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; Các hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo và giải quyết tố cáo (chẳng hạn: Cản trở, gây khó khăn, phiền hà cho người tố cáo; Thiếu trách nhiệm, phân biệt đối xử trong việc giải quyết tố cáo; Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo; Bao che người bị tố cáo; Đưa tin sai sự thật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo).
  - Chương II bao gồm những quy định về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo, như: Điều 18.5.LQ.9. Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo; Điều 18.5.NĐ.1.37. Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo; Điều 18.5.NĐ.2.4. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Điều 18.5.NĐ.4.21. Nguyên tắc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật tố cáo; Điều 18.5.NĐ.4.23. Xử lý kỷ luật đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức; Điều 18.5.LQ.10. Quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo; Điều 18.5.LQ.11. Quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo; Điều 18.5.NĐ.4.22. Xử lý kỷ luật đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo; …
- Chương III bao gồm các quy định về giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Chương này gồm 3 Mục. Mục 1 là các quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo, như: Điều 18.5.LQ.12. Nguyên tắc xác định thẩm quyền; …; Điều 18.5.LQ.13. Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước; …; Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong Tòa án nhân dân; …; Điều 18.5.TT.6.23. Trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị có chức năng thanh tra trong Tòa án nhân dân các cấp; …; Điều 18.5.LQ.15. Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong Viện kiểm sát nhân dân; Điều 18.5.LQ.16. Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong Kiểm toán nhà nước; Điều 18.5.LQ.17. Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan khác của Nhà nước; …; Điều 18.5.LQ.21. Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà không phải là cán bộ, công chức, viên chức. Mục 2 là các quy định về hình thức tố cáo, tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, như: Điều 18.5.LQ.22. Hình thức tố cáo; …; Điều 18.5.LQ.23. Tiếp nhận tố cáo; …; Điều 18.5.LQ.25. Tiếp nhận, xử lý thông tin có nội dung tố cáo; …; Điều 18.5.LQ.27. Xử lý tố cáo có dấu hiệu của tội phạm, áp dụng biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm. Mục 3 là các quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo, như: Điều 18.5.LQ.28. Trình tự giải quyết tố cáo; …; Điều 18.5.LQ.40. Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo; …; Điều 18.5.NĐ.4.6. Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo; …
- Chương IV bao gồm các quy định về giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, như: Điều 18.5.LQ.41. Nguyên tắc xác định thẩm quyền; Điều 18.5.NĐ.2.9. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự; …; Điều 18.5.NĐ.3.12. Thẩm quyền giải quyết tố cáo trong quản lý nhà nước về quốc phòng; Điều 18.5.LQ.42. Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo; Điều 18.5.LQ.43. Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay; …
- Chương V bao gồm các quy định về vấn đề trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo, như: Điều 18.5.LQ.44. Trách nhiệm của người giải quyết tố cáo; Điều 18.5.LQ.45. Trách nhiệm của người bị tố cáo; Điều 18.5.LQ.46. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Chương VI bao gồm các quy định về bảo vệ người tố cáo. Chương này gồm 3 Mục. Mục 1 là các quy định chung, như: Điều 18.5.LQ.47. Người được bảo vệ, phạm vi bảo vệ; Điều 18.5.NĐ.2.15. Trách nhiệm của người giải quyết tố cáo, Thủ trưởng, cán bộ, chiến sĩ Công an trong việc bảo vệ người tố cáo, người thân của người tố cáo; Điều 18.5.LQ.48. Quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ; Điều 18.5.LQ.49. Cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ. Mục 2 là những quy định về trình tự, thủ tục bảo vệ, như: Điều 18.5.LQ.50. Đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ; …; Điều 18.5.TT.11.6. Văn bản yêu cầu, đề nghị quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ; Điều 18.5.LQ.51. Xem xét, quyết định bảo vệ người tố cáo; Điều 18.5.LQ.52. Quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ;…; Điều 18.5.LQ.54. Thay đổi, bổ sung, chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ; Điều 18.5.LQ.55. Hồ sơ áp dụng biện pháp bảo vệ;… Mục 3 là những quy định về các biện pháp bảo vệ, như: Điều 18.5.LQ.56. Biện pháp bảo vệ bí mật thông tin; Điều 18.5.TT.7.6. Biện pháp bảo vệ; Điều 18.5.LQ.57. Biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm; Điều 18.5.TT.7.3. Nội dung bảo vệ vị trí công tác; Điều 18.5.LQ.58. Biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm; Điều 18.5.TT.11.10. Biện pháp bảo vệ.    
- Chương VII bao gồm các quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo, như: Điều 18.5.LQ.59. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về công tác giải quyết tố cáo; …; Điều 18.5.LQ.60. Trách nhiệm của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước, cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; Điều 18.5.LQ.61. Trách nhiệm thông tin, báo cáo trong công tác giải quyết tố cáo; …
- Chương VIII bao gồm các quy định về khen thưởng và xử lý vi phạm, như: Điều 18.5.LQ.62. Khen thưởng; …; Điều 18.5.LQ.65. Xử lý hành vi vi phạm của người tố cáo và những người khác có liên quan.
- Chương IX là các quy định về điều khoản thi hành, gồm các quy định về hiệu lực thi hành, trách nhiệm thi hành và tổ chức thực hiện của Luật Tố cáo năm 2018 và các nghị định, thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật này đã được pháp điển vào Đề mục như đã nêu ở trên.
Như vậy, thông qua việc thực hiện pháp điển Đề mục Tố cáo đã xác định được hệ thống các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương ban hành trực tiếp thuộc lĩnh vực tố cáo, giải quyết tố cáo đang còn hiệu lực được tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu. Ngoài ra, có những quy định trong Đề mục này được xác định có nội dung liên quan trực tiếp đến quy định trong văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác./.                                                                       
 
Huỳnh Hữu Phương
Chung nhan Tin Nhiem Mang