Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Thủ tục bắt giữ tàu biển
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Thủ tục bắt giữ tàu biển

Triển khai thực hiện công tác pháp điển, Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Thủ tục bắt giữ tàu biển (Đề mục số 4 thuộc Chủ đề số 37 - Tố tụng và các phương thức giải quyết tranh chấp). Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hoàn thành việc thực hiện pháp điển đối với Đề mục này. Đề mục Thủ tục bắt giữ tàu biển đã được tổ chức họp thẩm định và Tòa án nhân dân tối cao thực hiện chỉnh lý, hoàn thiện kết quả pháp điển Đề mục, ký xác thực kết quả pháp điển để gửi hồ sơ kết quả pháp điển Đề mục đến Bộ Tư pháp (qua Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật) tổng hợp, trình Chính phủ xem xét thông qua theo quy định.
Đề mục Thủ tục bắt giữ tàu biển có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển số 05/2008/UBTVQH12 ngày 27/8/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Pháp lệnh (Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển gồm 06 chương với 72 điều).
Theo đó, Đề mục Thủ tục bắt giữ tàu biển được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của 03 văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể như sau: Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển số 05/2008/UBTVQH12 vừa nêu trên; Nghị định số 57/2010/NĐ-CP ngày 25/5/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển; Thông tư liên tịch số 220/2012/TTLT-BTC-BGTVT ngày 24/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc bảo đảm chi phí bắt giữ tàu biển và duy trì hoạt động của tàu biển trong thời gian bị bắt giữ từ ngân sách nhà nước.
  Trên cơ sở đó, các nội dung cơ bản trong mỗi chương của Đề mục Thủ tục bắt giữ tàu biển do Tòa án nhân dân tối cao chủ trì thực hiện pháp điển như sau:
- Chương I gồm những quy định chung, như: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ của các văn bản nêu trên. Chẳng hạn: Điều 37.4.NĐ.1.3. Giải thích từ ngữ (ví dụ: Bắt giữ tàu biển là việc không cho phép tàu biển di chuyển hoặc hạn chế di chuyển tàu biển bằng quyết định của Tòa án có thẩm quyền để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, theo yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự hoặc theo ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài); Điều 37.4.PL.3. Thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển; …; Điều 37.4.PL.7. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc bắt giữ tàu biển; Điều 37.4.PL.8. Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu bắt giữ tàu biển hoặc văn bản yêu cầu thả tàu biển đang bị bắt giữ; Điều 37.4.PL.9. Thi hành quyết định bắt giữ tàu biển, quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ; Điều 37.4.NĐ.1.4. Trách nhiệm và quyền hạn của Giám đốc Cảng vụ; Điều 37.4.NĐ.1.5. Trách nhiệm và quyền hạn của lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Cảnh sát giao thông đường thủy và các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước khác; Điều 37.4.NĐ.1.6. Trách nhiệm của Thuyền trưởng tàu biển bị bắt giữ hoặc được thả; …; Điều 37.4.TL.1.2. Nguồn kinh phí NSNN bảo đảm việc thực hiện bắt giữ tàu biển và duy trì hoạt động của tàu biển trong thời gian bị bắt giữ; Điều 37.4.TL.1.3. Nội dung chi và mức chi thực hiện bắt giữ tàu biển và duy trì hoạt động của tàu biển trong thời gian bị bắt giữ từ nguồn ngân sách nhà nước; …; Điều 37.4.TL.1.6. Quyết toán vụ việc và thanh toán kinh phí; …; Điều 37.4.NĐ.1.14. Trình tự, thủ tục thực hiện việc thả tàu biển khi thời hạn bắt giữ tàu biển theo quy định bắt giữ của tòa án đã hết; …
  - Chương II gồm những quy định về thủ tục bắt giữ tàu biển, thả tàu biển đang bị bắt giữ và bắt giữ lại tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, chẳng hạn: Điều 37.4.PL.11. Khiếu nại hàng hải làm phát sinh quyền yêu cầu bắt giữ tàu biển; Điều 37.4.PL.12. Quyền yêu cầu bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải; Điều 37.4.PL.13. Điều kiện bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải; Điều 37.4.PL.14. Thời hạn bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải; …; Điều 37.4.PL.22. Căn cứ thả tàu biển đang bị bắt giữ để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải; …; Điều 37.4.PL.26. Bắt giữ lại tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải.
- Chương III gồm những quy định về thủ tục áp dụng, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời bắt giữ tàu biển, chẳng hạn: Điều 37.4.PL.27. Biện pháp khẩn cấp tạm thời bắt giữ tàu biển; …; Điều 37.4.PL.30. Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bắt giữ tàu biển; ...; Điều 37.4.PL.41. Quyết định hủy quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bắt giữ tàu biển; Điều 37.4.PL.42. Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bắt giữ tàu biển trong trường hợp Trọng tài giải quyết vụ tranh chấp.
- Chương IV gồm những quy định về thủ tục bắt giữ tàu biển, thả tàu biển đang bị bắt giữ để thi hành án, chẳng hạn: Điều 37.4.PL.43. Quyền yêu cầu bắt giữ tàu biển để thi hành án; Điều 37.4.PL.44. Điều kiện bắt giữ tàu biển để thi hành án; …; Điều 37.4.PL.48. Xem xét đơn yêu cầu bắt giữ tàu biển để thi hành án; Điều 37.4.PL.49. Khiếu nại, kiến nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị quyết định trả lại đơn yêu cầu bắt giữ tàu biển để thi hành án; Điều 37.4.PL.50. Quyết định bắt giữ tàu biển để thi hành án; Điều 37.4.PL.51. Khiếu nại, kiến nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị quyết định bắt giữ tàu biển để thi hành án; Điều 37.4.PL.52. Căn cứ thả tàu biển đang bị bắt giữ để thi hành án; ...
- Chương V gồm những quy định về thủ tục bắt giữ tàu biển, thả tàu biển đang bị bắt giữ để thực hiện tương trợ tư pháp. Chương này gồm có 02 Mục. Mục 1 là các quy định về vấn đề ủy thác tư pháp cho Tòa án nước ngoài bắt giữ tàu biển, như: Điều 37.4.PL.56. Thực hiện ủy thác tư pháp cho Tòa án nước ngoài bắt giữ tàu biển; Điều 37.4.PL.57. Văn bản ủy thác tư pháp; Điều 37.4.PL.58. Thủ tục ủy thác tư pháp về bắt giữ tàu biển (trong đó, lưu ý rằng Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện ủy thác tư pháp cho Tòa án có thẩm quyền của nước ngoài bắt giữ tàu biển phải lập hồ sơ ủy thác và gửi cho Bộ Tư pháp Việt Nam... Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp về bắt giữ tàu biển, Bộ Tư pháp vào sổ ủy thác tư pháp, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và chuyển cho Tòa án có thẩm quyền của nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài là thành viên hoặc thông qua kênh ngoại giao. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì Bộ Tư pháp trả lại cho Tòa án đã lập hồ sơ và nêu rõ lý do). Mục 2 là các quy định về thực hiện ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài bắt giữ tàu biển, như: Điều 37.4.PL.59. Nguyên tắc tương trợ tư pháp về việc bắt giữ tàu biển; Điều 37.4.PL.60. Nguyên tắc thực hiện ủy thác tư pháp về việc bắt giữ tàu biển (trong đó, lưu ý rằng Tòa án Việt Nam không chấp nhận thực hiện việc ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài về việc bắt giữ tàu biển trong các trường hợp sau đây: Việc thực hiện ủy thác tư pháp về việc bắt giữ tàu biển xâm phạm đến chủ quyền của Việt Nam hoặc đe dọa đến an ninh của Việt Nam; Việc thực hiện ủy thác tư pháp về việc bắt giữ tàu biển không thuộc thẩm quyền của Tòa án Việt Nam); Điều 37.4.PL.61. Thủ tục ủy thác tư pháp về việc bắt giữ tàu biển; …; Điều 37.4.PL.67. Căn cứ thả tàu biển đang bị bắt giữ theo ủy thác tư pháp; …
- Chương VI là các quy định về điều khoản thi hành, gồm các quy định về hiệu lực thi hành, tổ chức thực hiện của các văn bản quy phạm pháp luật đã nêu: Điều 37.4.PL.71. Hiệu lực thi hành; Điều 37.4.PL.72. Hướng dẫn thi hành; Điều 37.4.NĐ.1.22. Hiệu lực thi hành; Điều 37.4.NĐ.1.23. Tổ chức thực hiện; Điều 37.4.TL.1.7. Hiệu lực thi hành.
Như vậy, thông qua việc thực hiện pháp điển Đề mục Thủ tục bắt giữ tàu biển đã xác định được hệ thống các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương ban hành quy định trực tiếp về hoạt động bắt giữ tàu biển của các cơ quan có thẩm quyền và đang còn hiệu lực được tập hợp, sắp xếp giúp các chủ thể có liên quan dễ dàng tra cứu, tìm hiểu để thực hiện quy định pháp luật khi phát sinh vấn đề liên quan đến các thủ tục bắt giữ tàu biển./.
 
Huỳnh Hữu Phương
Chung nhan Tin Nhiem Mang