Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Thanh niên được xây dựng lại
Triển khai thực hiện công tác pháp điển, Bộ Nội vụ đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Thanh niên (Đề mục 3 Chủ đề 36. Tổ chức chính trị - xã hội, hội). Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hoàn thành việc thực hiện pháp điển đối với Đề mục Thanh niên. Đề mục này đã được tổ chức họp thẩm định và Bộ Nội vụ đã thực hiện chỉnh lý, hoàn thiện kết quả pháp điển Đề mục Thanh niên, ký xác thực theo quy định để gửi hồ sơ kết quả pháp điển Đề mục đến Bộ Tư pháp (qua Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật) tổng hợp, trình Chính phủ xem xét thông qua trong thời gian tới.
Đề mục Thanh niên có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Thanh niên số 57/2020/QH14 ngày 16/6/2020 của Quốc hội, gồm 07 chương với 41 điều và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật.
Theo đó, Đề mục Thanh niên được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của 6 văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể: Văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là Luật Thanh niên số 57/2020/QH14 ngày 16/06/2020. Các văn bản khác thuộc đề mục bao gồm: Nghị định số 12/2011/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và chính sách đối với thanh niên xung phong; Nghị định số 13/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đối thoại với thanh niên, cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; Nghị định số 17/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; Thông tư số 11/2011/TT-BNV hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 12/2011/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và chính sách đối với thanh niên xung phong; Thông tư liên tịch số 119/2013/TTLT-BTC-BNV quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hoạt động thường xuyên của các tổ chức thanh niên xung phong từ ngân sách nhà nước.
Trên cơ sở đó, các nội dung cơ bản trong mỗi chương của Đề mục Thanh niên do Bộ Nội vụ chủ trì thực hiện pháp điển như sau:
- Chương I là những quy định chung, như: định nghĩa thanh niên; phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên; nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của nhà nước đối với thanh niên; nguồn lực thực hiện chính sách của nhà nước đối với thanh niên; ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam; hợp tác quốc tế về thanh niên; tháng thanh niên; đối thoại với thanh niên; áp dụng điều ước quốc tế về quyền trẻ em đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi,...
- Chương II là nhóm quy định về trách nhiệm của thanh niên bao gồm: Trách nhiệm đối với Tổ quốc; trách nhiệm đối với Nhà nước và xã hội; trách nhiệm đối với gia đình và trách nhiệm đối với bản thân. Trong đó, trách nhiệm đối với tổ quốc là phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc; xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; đảm nhận công việc khó khăn, gian khổ, cấp bách khi Tổ quốc yêu cầu; đấu tranh với các âm mưu, hoạt động gây phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
- Chương III là các nhóm quy định về chính sách của nhà nước đối với thanh niên bao gồm: chính sách về học tập và nghiên cứu khoa học; chính sách về lao động, việc làm; chính sách về khởi nghiệp; chính sách về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; chính sách về văn hóa, thể dục, thể thao; chính sách về bảo vệ tổ quốc; chính sách đối với thanh niên xung phong; chính sách đối với thanh niên tình nguyện; chính sách đối với thanh niên có tài năng; chính sách đối với thanh niên là người dân tộc thiểu số; chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi,...Một số trách nhiệm được quy định như: Bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và tạo điều kiện cho thanh niên tham gia nghiên cứu khoa học; tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động cho thanh niên; giáo dục kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp cho thanh niên; bảo đảm thanh niên không bị cưỡng bức, bóc lột sức lao động; giáo dục, đào tạo kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho thanh niên; tư vấn, hỗ trợ nâng cao sức khỏe cho thanh niên; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục; phòng, chống ma túy, HIV/AIDS; phòng ngừa bệnh lây truyền qua dường tình dục, bệnh xã hội khác và các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của thanh niên; khuyến khích, hỗ trợ thanh niên tham gia hoạt động và sáng tạo trong văn hóa, thể dục, thể thao; bảo đảm cho thanh niên được giáo dục quốc phòng và an ninh, tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực hiện chính sách đối với thanh niên có tài năng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình và ưu tiên cho thanh niên là người dân tộc thiểu số về học tập, lao động, việc làm, khởi nghiệp, chăm sóc sức khỏe, thể dục, thể thao,..
.- Chương IV quy định về trách nhiệm của tổ chức thanh niên bao gồm: tổ chức thanh niên; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam và Chính sách của Nhà nước đối với tổ chức thanh niên. Trong đó, tổ chức thanh niên gồm Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và các tổ chức khác của thanh niên được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật. Tổ chức thanh niên có vai trò đoàn kết, tập hợp thanh niên, đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên; phát huy vai trò của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 3. Tổ chức thanh niên có trách nhiệm nghiên cứu nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên để kiến nghị với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên, các cơ quan có liên quan trong việc tuyên truyền, giáo dục, thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên; tổ chức cho thanh niên tham gia phong trào vì lợi ích của cộng đồng, xã hội, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Chương V quy định về trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, gia đình bao gồm: trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; trách nhiệm của tổ chức xã hội; trách nhiệm của tổ chức kinh tế; trách nhiệm của cơ sở giáo dục và trách nhiệm của gia đình. Một số trách nhiệm được đề cập như: xây dựng kế hoạch, chương trình thống nhất hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về công tác tập hợp, đoàn kết, phát huy lực lượng thanh niên; phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức thành viên khác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện chương trình giám sát, phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên; vận động thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên; vận động thành viên của mình tạo điều kiện để thanh niên học tập, lao động, tham gia hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, phát triển thể lực, trí tuệ; bồi dưỡng đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân; đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc;..
- Chương VI quy định về quản lý nhà nước về thanh niên với các nội dung như sau: Nội dung quản lý nhà nước về thanh niên; trách nhiệm của Chính phủ; trách nhiệm của Bộ Nội vụ; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ; trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Chương VII quy định về điều khoản thi hành và hiệu lực thi hành./.
Vũ Thị Mai