Bộ Tư pháp tổ chức hoạt động giới thiệu Tài liệu truyền thông tuyên truyền và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển
Sign In

Tin hoạt động

Bộ Tư pháp tổ chức hoạt động giới thiệu Tài liệu truyền thông tuyên truyền và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển

Sau khi Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL được Quốc hội thông qua năm 2012, đến nay, công tác pháp điển hệ thống QPPL đã đạt được nhiều kết quả tích cực, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã xây dựng được 92% khối lượng Bộ pháp điển, các đề mục còn lại đang được các bộ, ngành khẩn trương triển khai và quyết tâm hoàn thành trong năm 2022, về đích sớm 01 năm so với lộ trình đặt ra tại Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 29/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển.

Để đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, sớm đưa Bộ pháp điển đi vào cuộc sống, Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp tổ chức hoạt động “Giới thiệu tài liệu truyền thông (Tờ rơi, Video) tuyên truyền và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển”. Đồng chí Hồ Quang Huy - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp, chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Duy Thắng - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp; lãnh đạo, công chức đại diện các tổ chức pháp chế của các bộ, ngành và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và một số cơ quan thông tấn, báo chí.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, đồng chí Hồ Quang Huy đánh giá việc xây dựng Bộ pháp điển ở Việt Nam là hết sức cần thiết, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Bộ pháp điển “phản ánh” đầy đủ, trung thực các quy phạm pháp luật của cơ quan Trung ương đang còn hiệu lực, không làm thay đổi nội dung của các quy phạm này, hơn nữa đây là Bộ pháp điển chính thức của Nhà nước, do các bộ, ngành xây dựng và Chính phủ thông qua kết quả pháp điển. Vì vậy, người sử dụng khi tra cứu, áp dụng hoàn toàn yên tâm về nội dung, hiệu lực của các quy định trong Bộ pháp điển. Với các tính năng lợi ích của Bộ pháp điển trong thời gian tới, công tác truyền thông, quảng bá về Bộ pháp điển là rất cần thiết. Bộ pháp điển cần “sớm đi vào cuộc sống”, được xã hội đón nhận, khai thác và sử dụng.
Tiếp theo, đồng chí Nguyễn Duy Thắng đã giới thiệu khái quát về công tác xây dựng Bộ Pháp điển và giới thiệu các Nghị quyết của Chính phủ phê duyệt kết quả pháp điển các chủ đề, đề mục. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về công tác pháp điển, Bộ Tư pháp đã rất chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh tổ chức triển khai xây dựng Bộ pháp điển bảo đảm chất lượng, hiệu quả và tiến độ. Tính tới thời điểm hiện tại, công tác pháp điển hệ thống QPPL đã đạt được nhiều kết quả tích cực, 250/271 đề mục đã hoàn thành (đạt tỷ lệ 92% khối lượng Bộ pháp điển). Đồng thời, Chính phủ cũng đã thông qua 08 Nghị quyết phê duyệt kết quả pháp điển đối với 250 đề mục trên.
Tại hội nghị, đồng chí Trần Thanh Loan, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Pháp điển và hợp nhất văn bản QPPL đã giới thiệu Tài liệu truyền thông tuyên truyền về Bộ pháp điển. Tài liệu gồm có Tờ rơi và Video bao gồm các nội dung chính: (1) giới thiệu khái quát về Bộ Pháp điển Việt Nam (khái niệm, cấu trúc Bộ pháp điển); (2) hướng dẫn, khai thác sử dụng Bộ pháp điển. Đặc biệt tại Tờ rơi có mã QR giúp người dùng truy cập vào Bộ pháp điển một cách thuận lợi, nhanh chóng; có địa chỉ, số điện thoại của Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp để các cá nhân, tổ chức liên hệ phản ánh hoặc cần hướng dẫn thêm hay giải đáp thắc mắc. Thông qua Tờ rơi, Video này, cá nhân, tổ chức thao tác theo hướng dẫn đạt kết quả nhanh chóng, tra cứu được Bộ pháp điển một cách thuận tiện, dễ dàng.
Bên cạnh đó, đồng chí Trần Thanh Loan cũng trực tiếp thao tác tra cứu trên Bộ pháp điển đối với một số đề mục cụ thể theo các tính năng cụ thể như tra cứu theo danh mục văn bản, cấu trúc, chủ đề, đề mục và theo từ khóa. Qua đó, các đại biểu tham dự hội nghị tiếp cận được với cách thức khai thác Bộ pháp điển và hiểu rõ các tính năng ưu việt của Bộ pháp điển.
Các đơn vị, cơ quan báo chí tham dự đã tích cực hỏi đáp và trao đổi một số vấn đề liên quan đến Bộ pháp điển như: việc cập nhật thường xuyên các quy định pháp luật trong Bộ pháp điển; tính năng ưu việt của Bộ pháp điển so với một số cơ sử dữ liệu pháp luật khác; kế hoạch tuyên truyền, giới thiệu Bộ pháp điển trên phạm vi cả nước trong thời gian tới…
Đồng thời, các đại biểu tham dự đều đánh giá Bộ pháp điển đã được đăng tải công khai để cá nhân, tổ chức dễ dàng tiếp cận, tra cứu. Qua tìm hiểu, Bộ pháp điển mang lại cho người sử dụng một cách tiếp cận theo hướng hoàn toàn khác, không theo văn bản riêng lẻ, mà theo lĩnh vực, theo nhóm quan hệ xã hội, theo nhóm vấn đề. Đây là cách tiếp cận lấy người sử dụng làm trung tâm, cách tra cứu quy định pháp luật sẽ đi từ nhu cầu tìm kiếm của người sử dụng. Quá trình xây dựng Bộ pháp điển là quá trình cấu trúc lại hệ thống pháp luật, sắp xếp các quy định trong hệ thống (không giới hạn theo văn bản), hướng đến sự lôgic, khoa học, thuận tiện khi đánh giá từ góc độ tra cứu văn bản pháp luật.
Kết thúc hội nghị, đồng chí Hồ Quang Huy đánh giá sự thành công của Hội nghị và mong muốn các đại biểu tích cực khai thác, sử dụng Bộ pháp điển, giới thiệu, lan tỏa Bộ pháp điển đến đồng nghiệp để Bộ pháp điển được xã hội biết đến nhiều hơn qua Tài liệu truyền thông trong cuộc họp. Đồng thời, đề nghị các đại biểu tiếp tục tham gia góp ý để Bộ pháp điển tiếp tục được hoàn thiện, trở thành kênh tra cứu, áp dụng pháp luật hiệu quả.
Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp xin trân trọng giới thiệu và đăng tải nội dung Tờ rơi và Video truyền thông giới thiệu và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ Pháp điển tại địa chỉ như sau:
Link Tờ rơi:
https://phapdien.moj.gov.vn/qt/hinhanhvideo/Pages/danh-muc-anh.aspx#2 https://phapdien.moj.gov.vn/qt/hinhanhvideo/Pages/danh-muc-anh.aspx#3
Link Video:
https://mediabtp.moj.gov.vn/Media/2022/Thang7/BoPhapDienFINAL_103827072022.mp4
Hoàng Như Quỳnh
Chung nhan Tin Nhiem Mang