Bộ Tư pháp tổ chức Họp thẩm định kết quả pháp điển 02 đề mục: Cán bộ, công chức; Phòng, chống rửa tiền
Sign In

Tình hình thực hiện pháp điển

Bộ Tư pháp tổ chức Họp thẩm định kết quả pháp điển 02 đề mục: Cán bộ, công chức; Phòng, chống rửa tiền

Tiếp tục thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục và trên cơ sở Quyết định số 2346/QĐ-BTP ngày 10/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Hội đồng thẩm định kết quả pháp điển các đề mục Cán bộ, công chức và Phòng, chống rửa tiền, chiều ngày 17/12/2024, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp thẩm định các đề mục trên. Cuộc họp do đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì, với sự tham gia của các thành viên là đại diện các bộ, ngành có liên quan cùng đại diện của Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ Pháp luật hình sự - hành chính Bộ Tư pháp).

Theo Quyết định số 891/QĐ-TTg, Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì thực hiện pháp điển đối với Đề mục Cán bộ, công chức (Đề mục 1 Chủ đề 5. Cán bộ, công chức, viên chức) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan chủ trì thực hiện pháp điển đối với Đề mục Phòng, chống rửa tiền[1] (Đề mục 6 Chủ đề 22. Ngân hàng, tiền tệ) theo quy định.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định cơ bản đều nhất trí với quá trình tổ chức thực hiện của các cơ quan chủ trì thực hiện pháp điển theo đề mục đã bảo đảm yêu cầu, cũng như chất lượng kết quả pháp điển của 02 đề mục - về cơ bản, các quy phạm pháp luật trong 02 Đề mục đã được thực hiện pháp điển bảo đảm chính xác, đầy đủ theo quy định:
(1) Về trình tự, thủ tục pháp điển các đề mục: Bộ Nội vụ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự thảo Danh mục văn bản để pháp điển; đồng thời, thực hiện pháp điển theo thẩm quyền trên Phần mềm hỗ trợ pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và tổng hợp hồ sơ kết quả pháp điển theo đề mục, gửi Bộ Tư pháp để tổ chức thẩm định.
   
(2) Về tính chính xác, đầy đủ của các quy phạm pháp luật trong 02 Đề mục: Bộ Nội vụ cũng như Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thực hiện rà soát, bảo đảm các QPPL đang còn hiệu lực và có nội dung thuộc đề mục để thực hiện pháp điển. Theo đó, Đề mục Cán bộ, công chức được Bộ Nội vụ xác định có 94 văn bản có nội dung thuộc Đề mục và 61 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục; Đề mục Phòng, chống rửa tiền được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định có 04 văn bản có nội dung thuộc Đề mục và 17 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục. Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định cũng đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu pháp điển bổ sung các quy phạm pháp luật còn hiệu lực của các văn bản sau vào Đề mục Cán bộ, công chức: Quyết định số 78/2001/QĐ-TTg được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 179/2002/QĐ-TTg và Quyết định số 168/2005/QĐ-TTg; Quyết định số 287/2006/QĐ-TTg; Thông tư liên tịch số 94/2007/TTLT-BTC-BNV; Thông tư số 141/2011/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 57/2014/TT-BTC; Thông tư số 40/2017/TT-BTC; Thông tư số 42/2023/TT-BTC; Thông tư số 62/2024/TT-BTC. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xác định quy định có liên quan của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013, đồng thời bổ sung thêm các văn bản này vào phần danh mục văn bản liên quan đến Đề mục Phòng, chống rửa tiền.
(3) Về cấu trúc đề mục: Cấu trúc của 02 Đề mục được xây dựng theo cấu trúc của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội thuộc nội dung của đề mục. Theo đó, Đề mục Cán bộ, công chức có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 52/2019/QH14 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức (gồm 10 chương với 88 điều luật và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật); Đề mục Phòng, chống rửa tiền có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Phòng, chống rửa tiền số 14/2022/QH15 của Quốc hội (gồm 04 chương với 66 điều luật và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật). Hội đồng thẩm định đã đánh giá về việc các cơ quan chủ trì thực hiện pháp điển xác định cấu trúc của 02 đề mục như trên cơ bản là phù hợp.
(4) Về sự phù hợp của vị trí các quy phạm pháp luật trong 02 Đề mục: Hội đồng thẩm định cũng đánh giá, về cơ bản, vị trí sắp xếp các điều trong dự thảo Kết quả pháp điển 02 Đề mục Cán bộ, công chức và Phòng, chống rửa tiền bảo đảm theo nguyên tắc: Điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sắp xếp ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo thứ bậc hiệu lực pháp lý từ cao xuống thấp và theo trật tự thời gian ban hành đối với các điều của văn bản cùng hiệu lực. Tuy nhiên, riêng đối với Đề mục Cán bộ, công chức cần được chỉnh lý thêm về vị trí sắp xếp một số điều, chẳng hạn như: chuyển vị trí của các điều (5.1.NĐ.13.27; 5.1.NĐ.13.28; 5.1.TT.26.2; 5.1.TT.41.34) hiện đang được pháp điển tại Chương X về Điều khoản thi hành trong Đề mục về vị trí pháp điển theo Điều LQ.86. Hiệu lực thi hành trong Đề mục này; ngoài ra, nghiên cứu chuyển vị trí pháp điển các điều khác thuộc các điều quy định về nội dung ( 5.1.TT.23.6; 5.1.TT.52.1; 5.1.TT.9.2; 5.1.TT.9.3; 5.1.TT.10.2; 5.1.TT.13.2…) hiện cũng đang được pháp điển tại Chương X. Điều khoản thi hành trong Đề mục về các chương có quy định nội dung của văn bản để đảm bảo sự phù hợp hơn về vị trí sắp xếp, pháp điển trong Đề mục này.
(5) Về thực hiện ghi chú, xác định các quy phạm pháp luật có liên quan đến nhau cũng được các cơ quan thực hiện pháp điển cơ bản đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật.
   
Kết luận cuộc họp, trên cơ sở ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định, đồng chí Nguyễn Duy Thắng nhận định: Kết quả pháp điển 02 Đề mục Cán bộ, công chức và Phòng, chống rửa tiền đã cơ bản bảo đảm các nội dung tiêu chí thẩm định được quy định tại Điều 10 Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật quy định, đồng thời, đề nghị các cơ quan chủ trì thực hiện pháp điển tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định và sớm chỉnh lý, hoàn thiện Hồ sơ, gửi Bộ Tư pháp tổng hợp trình Chính phủ xem xét phê duyệt, thông qua theo quy định./.
 
 
[1] Đề mục này được pháp điển lại do văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất của Đề mục đã pháp điển trước đây là Luật Phòng, chống rửa tiền số 07/2012/QH13 được thay thế bởi Luật số 14/2022/QH15.
Huỳnh Hữu Phương

Các tin khác

Bộ Tư pháp tổ chức Họp thẩm định kết quả pháp điển các đề mục: Phòng, chống bạo lực gia đình; Căn cước và Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Bộ Tư pháp tổ chức Họp thẩm định kết quả pháp điển các đề mục: Đăng ký biện pháp bảo đảm và Thực hiện dân chủ ở cơ sở Bộ Tư pháp tổ chức Họp thẩm định kết quả pháp điển các đề mục: Hợp tác xã và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bộ Tư pháp họp thẩm định kết quả pháp điển các đề mục: Kinh doanh bảo hiểm; Tổ chức, quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế và Phòng, chống thiên tai Bộ Tư pháp họp thẩm định kết quả pháp điển các đề mục: Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Đặc xá và Thi hành án hình sự Thẩm định kết quả pháp điển các đề mục: Dầu khí; Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam Thẩm định kết quả pháp điển các đề mục: Ưu đãi người có công với cách mạng và Điện ảnh. Bộ Tư pháp tổ chức Họp thẩm định kết quả pháp điển các đề mục: Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam
Chung nhan Tin Nhiem Mang