Theo Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Tài chính đã chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Quản lý, sử dụng tài sản công (Đề mục 3, Chủ đề 28. Tài sản công, nợ công, dự trữ nhà nước); đề mục Thuế bảo vệ môi trường và Thuế tiêu thụ đặc biệt (Đề mục 5, 12. Chủ đề 33. Thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác). Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện pháp điển các đề mục đảm bảo đúng theo quy định, cụ thể:
- Về trình tự, thủ tục pháp điển của các đề mục: Bộ Tài chính đã thực hiện pháp điển các văn bản thuộc thẩm quyền pháp điển của cơ quan mình trên Phần mềm pháp điển và gửi các bộ, ngành liên quan để tiếp tục thực hiện pháp điển văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền. Các Bộ, ngành đã thực hiện pháp điển các QPPL thuộc thẩm quyền của cơ quan mình và gửi Bộ Tài chính, để tổng hợp, hoàn thiện Hồ sơ kết quả pháp điển gửi thẩm định theo quy định.
|
|
- Về tính chính xác, đầy đủ của QPPL trong các đề mục: Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát bảo đảm các QPPL đang còn hiệu lực có nội dung thuộc đề mục để đưa vào pháp điển; rà soát, xác định các QPPL có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo để xử lý, kiến nghị xử lý trước khi thực hiện pháp điển theo quy định. Theo đó, đề mục Quản lý, sử dụng tài sản công có 45 văn bản có nội dung thuộc Đề mục (01 Luật; 17 Nghị định; 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 26 Thông tư, Thông tư liên tịch) thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Tài chính; Bộ Y tế; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giáo dục và Đào tạo và 38 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục; đề mục Thuế bảo vệ môi trường có 04 văn bản có nội dung thuộc Đề mục (01 Luật, 01 Nghị định, 01 Nghị quyết của UBTVQH và 01 Thông tư) thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Tài chính và 06 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục; đề mục Thuế tiêu thụ đặc biệt có 03 văn bản có nội dung thuộc Đề mục (01 Luật, 01 Nghị định và 01 Thông tư) thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Tài chính và 12 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục.
- Về sự phù hợp của vị trí QPPL trong các đề mục: Về cơ bản, các đại biểu tham dự đánh giá vị trí của các điều trong dự thảo kết quả pháp điển của các đề mục đã bảo đảm đúng nguyên tắc: Điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sắp xếp ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo thứ bậc hiệu lực pháp lý từ cao xuống thấp và theo trật tự thời gian ban hành đối với các điều của văn bản cùng hiệu lực. Đối với trường hợp một điều quy định chi tiết, hướng dẫn nhiều điều hoặc nhiều điều cùng áp dụng một phụ lục, biểu mẫu thì được thực hiện chỉ dẫn theo quy định.
- Về cấu trúc của đề mục: Cấu trúc của đề mục được xây dựng theo cấu trúc của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội thuộc nội dung của đề mục. Theo đó, đề mục Quản lý, sử dụng tài sản công có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 của Quốc hội bao gồm 10 chương với 134 điều và không có thay đổi so với cấu trúc của Luật; đề mục Thuế bảo vệ môi trường có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật thuế bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12 ngày 15/11/2010 của Quốc hội bao gồm 04 chương với 13 điều và không có thay đổi so với cấu trúc của Luật; đề mục Thuế tiêu thụ đặc biệt có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội bao gồm 04 chương với 12 điều và không có thay đổi so với cấu trúc của Luật.
|
|
Tại cuộc họp, về cơ bản các thành viên Hội đồng thẩm định ghi nhận và đánh giá cao quá trình cũng như chất lượng kết quả pháp điển của 03 đề mục. Tuy nhiên, đối với đề mục Quản lý, sử dụng tài sản công, Hội đồng thẩm định thấy rằng, hiện nay có một số văn bản QPPL đang còn hiệu lực có nội dung giao thoa giữa đề mục Quản lý, sử dụng tài sản công với một số đề mục khác. Do đó, các thành viên Hội đồng thẩm định nhất trí đưa các văn bản sau đây pháp điển vào đề mục khác sẽ phù hợp hơn, cụ thể:
(1) Quyết định số 44/2010/QĐ-TTg ngày 10/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn tiền sử dụng đất, miễn tiền thuê đất xây dựng công trình phụ trợ đường cao tốc quốc gia;
(2) Quyết định số 57/2010/QĐ-TTg ngày 17/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn tiền thuê đất đối với các dự án xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa, ngô, kho lạnh bảo quản thủy sản, rau quả và kho tạm trữ cà phê theo quy hoạch;
(3) Thông tư 207/2014/TT-BTC ngày 26/12/2014 của Bộ Tài chính quy định về xác định tiền thuê đất đối với công ty nông, lâm nghiệp sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản;
(4)
Thông tư số 80/2017/TT-BTC ngày 02/8/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, tiền thuê đất, tài sản gắn liền với đất được hoàn trả khi Nhà nước thu hồi đất và việc quản lý, sử dụng số tiền bồi thường tài sản do Nhà nước giao quản lý sử dụng, số tiền hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nhưng không được bồi thường về đất;
(5) Thông tư số 18/2013/TT-BTC ngày 20/2/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng và quản lý, sử dụng số tiền thu được từ thanh lý rừng trồng không thành rừng, rừng trồng không có khả năng thành rừng;
(6) Nghị định số 35/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước trong khu kinh tế, khu công nghệ cao;
(7) Thông tư số 89/2017/TT-BTC ngày 23/8/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 35/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước trong Khu kinh tế, Khu công nghệ cao;
(8) Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg ngày 15/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định trình tự, thủ tục điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước sang tập đoàn điện lực Việt Nam quản lý.
Ngoài ra, Hội đồng thẩm định thấy rằng, hiện nay có một số văn bản QPPL còn hiệu lực, có nội dung thuộc đề mục Quản lý, sử dụng tài sản công và chưa được thực hiện pháp điển vào đề mục. Đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trong trường hợp các văn bản không còn áp dụng trên thực tế thì không thực hiện pháp điển vào đề mục đồng thời sớm xử lý hiệu lực theo quy định, cụ thể các văn bản sau:
(1) Thông tư số 83/2004/TT-BTC ngày 17/8/2004 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn một số nội dung quản lý trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp;
(2) Thông tư số 178/2013/TT-BTC ngày 02/12/2013 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 10/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
(3) Thông tư số 54/2013/TT-BTC ngày 04/5/2013 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung và Thông tư số 76/2017/TT-BTC ngày 26/7/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 54/2013/TT-BTC ngày 04/5/2013 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.
Kết luận cuộc họp, trên cơ sở ý kiến của các thành viên của Hội đồng, đồng chí Nguyễn Duy Thắng - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL thay mặt Hội đồng thẩm định nhận định: Kết quả pháp điển 03 đề mục trên bảo đảm các yêu cầu quy định tại Điều 10 Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì thực hiện pháp điển cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định; sớm chỉnh lý, hoàn thiện Hồ sơ, gửi Bộ Tư pháp sắp xếp vào chủ đề, trình Chính phủ thông qua theo quy định./.