Theo Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Hàng Hải Việt Nam (Đề mục 4, Chủ đề 14. Giao thông, vận tải); Bộ Quốc phòng đã chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Dân quân tự vệ (Đề mục 5, Chủ đề 25. Quốc phòng); Bộ Nội vụ đã chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Công tác văn thư (Đề mục 1, Chủ đề 42. Văn thư, lưu trữ). Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải; Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện pháp điển các đề mục đảm bảo đúng theo quy định, cụ thể:
- Về trình tự, thủ tục pháp điển của các đề mục: Bộ Giao thông vận tải; Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ đã thực hiện pháp điển các văn bản thuộc thẩm quyền pháp điển của cơ quan mình trên Phần mềm pháp điển và gửi các bộ, ngành liên quan để tiếp tục thực hiện pháp điển văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền. Các Bộ, ngành đã thực hiện pháp điển các QPPL thuộc thẩm quyền của cơ quan mình và gửi Bộ Giao thông vận tải; Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ, để tổng hợp, hoàn thiện Hồ sơ kết quả pháp điển gửi thẩm định theo quy định.
- Về tính chính xác, đầy đủ của QPPL trong các đề mục: Bộ Giao thông vận tải; Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát bảo đảm các QPPL đang còn hiệu lực có nội dung thuộc đề mục để đưa vào pháp điển; rà soát, xác định các QPPL có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo để xử lý, kiến nghị xử lý trước khi thực hiện pháp điển theo quy định. Theo đó, đề mục Hàng Hải Việt Nam có
93[1] văn bản có nội dung thuộc đề mục, (thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng) và
15 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục; đề mục Dân quân tự vệ
[2] có
11 văn bản có nội dung thuộc Đề mục (thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Quốc phòng) và
06 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục; đề mục Công tác văn thư
[3] có
02 văn bản có nội dung thuộc Đề mục (thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Nội vụ) và
08 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục.
- Về sự phù hợp của vị trí QPPL trong các đề mục: Về cơ bản, các đại biểu tham dự đánh giá vị trí của các điều trong dự thảo kết quả pháp điển của các đề mục đã bảo đảm đúng nguyên tắc: Điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sắp xếp ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo thứ bậc hiệu lực pháp lý từ cao xuống thấp và theo trật tự thời gian ban hành đối với các điều của văn bản cùng hiệu lực. Đối với trường hợp một điều quy định chi tiết, hướng dẫn nhiều điều hoặc nhiều điều cùng áp dụng một phụ lục, biểu mẫu thì được thực hiện chỉ dẫn theo quy định.
- Về cấu trúc của đề mục: Cấu trúc của đề mục được xây dựng theo cấu trúc của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội thuộc nội dung của đề mục. Theo đó, đề mục Hàng Hải Việt Nam có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Bộ luật số 95/2015/QH13 Hàng Hải Việt Nam ngày 25/11/2015 của Quốc hội, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch (gồm 20 chương với 341 điều
[4]) và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật; đề mục Dân quân tự vệ có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Dân quân tự vệ số 48/2019/QH14 ngày 21/11/2019 bao gồm 08 chương với 50 điều và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật; đề mục Công tác văn thư có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Nghị định số 30/2020/NĐ-CP (gồm 07 chương với 38 điều) và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Nghị định.
|
|
Tại cuộc họp, về cơ bản các thành viên Hội đồng thẩm định ghi nhận và đánh giá cao quá trình cũng như chất lượng kết quả pháp điển của 03 đề mục. Tuy nhiên, đối với đề mục Công tác văn thư, Hội đồng thẩm định đề nghị Bộ Quốc phòng rà soát, xác định hiệu lực của Thông tư số 207/2010/TT-BQP ngày 20/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng thuộc biên chế làm công tác văn thư, bảo mật, lưu trữ trong quân đội, trường hợp còn hiệu lực thì cân nhắc pháp điển vào đề mục Công tác Văn thư; đề mục Quốc phòng hay đề mục Quân nhân chuyên nghiệp cho phù hợp.
Kết luận cuộc họp, trên cơ sở ý kiến của các thành viên của Hội đồng, đồng chí Nguyễn Duy Thắng - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL thay mặt Hội đồng thẩm định nhận định: Kết quả pháp điển 03 đề mục trên bảo đảm các yêu cầu quy định tại Điều 10 Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL. Tuy nhiên, các cơ quan chủ trì thực hiện pháp điển cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định; sớm chỉnh lý, hoàn thiện Hồ sơ, gửi Bộ Tư pháp sắp xếp vào chủ đề, trình Chính phủ thông qua theo quy định./.
[1] Ngoài ra có 18 văn bản là văn bản sửa đổi, bổ sung
[2] Đề mục này đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 13/6/2017 về phê duyệt kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đối với chủ đề Đất đai và 35 đề mục.
[3] Đề mục này đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 16/01/2018 về phê duyệt kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đối với chủ đề Tương trợ tư pháp; Văn thư, lưu trữ và 28 đề mục.
[4] Trong đó có 02 điều đã được bãi bỏ.