Bộ Tư pháp tổ chức Họp thẩm định kết quả pháp điển các đề mục: Tần số vô tuyến điện; Xuất bản và Chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng
Sign In

Tình hình thực hiện pháp điển

Bộ Tư pháp tổ chức Họp thẩm định kết quả pháp điển các đề mục: Tần số vô tuyến điện; Xuất bản và Chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng

Thực hiện Quyết định số 2235/QĐ-BTP ngày 03/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Hội đồng thẩm định kết quả pháp điển các đề mục: Tần số vô tuyến điện; Xuất bản và Chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng, chiều ngày 10/11/2020, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp Hội đồng thẩm định các đề mục trên. Được sự ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng, Đồng chí Nguyễn Duy Thắng (Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật) - Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định đã chủ trì cuộc họp, cùng với sự tham gia của các thành viên là đại diện các bộ, ngành liên quan.

Theo Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Tần số vô tuyến điện (Đề mục 5 Chủ đề 3. Bưu chính, viễn thông) và đề mục Xuất bản (Đề mục 3 Chủ đề 32. Thông tin báo chí, xuất bản); Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng (Đề mục 2 Chủ đề 33. Thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác). Trên cơ sở đó, Bộ Thông tin và Truyền thông; Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện pháp điển các đề mục đảm bảo đúng theo quy định, cụ thể:
- Về trình tự, thủ tục pháp điển của các đề mục: Bộ Thông tin và Truyền thông; Tòa án nhân dân tối cao đã thực hiện pháp điển các văn bản thuộc thẩm quyền pháp điển của cơ quan mình trên Phần mềm pháp điển và gửi các bộ, ngành liên quan để tiếp tục thực hiện pháp điển văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền. Các Bộ, ngành đã thực hiện pháp điển các QPPL thuộc thẩm quyền của cơ quan mình và gửi Bộ Thông tin và Truyền thông; Tòa án nhân dân tối cao, để tổng hợp, hoàn thiện Hồ sơ kết quả pháp điển gửi thẩm định theo quy định.

- Về tính chính xác, đầy đủ của QPPL trong các đề mục: Bộ Thông tin và Truyền thông; Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát bảo đảm các QPPL đang còn hiệu lực có nội dung thuộc đề mục để đưa vào pháp điển; rà soát, xác định các QPPL có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo để xử lý, kiến nghị xử lý trước khi thực hiện pháp điển theo quy định. Theo đó, đề mục đề mục Tần số vô tuyến điện có 26[1] văn bản có nội dung thuộc đề mục, gồm 01 Luật; 03 Quyết định của Thủ tướng chính phủ và 21 Thông tư và Thông tư liên tịch (thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Thông tin và Truyền thông) và 09 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục; đề mục Xuất bản có 07[2] văn bản có nội dung thuộc đề mục, gồm 01 Luật; 02 Nghị định và 06 Thông tư và Thông tư liên tịch (thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính) và 08 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục; đề mục Chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng có 03 văn bản có nội dung thuộc Đề mục (01 Pháp lệnh, 01 Nghị định và 01 Thông tư) thuộc thẩm quyền pháp điển của Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tài chính và 14 văn bản có nội dung liên quan đến đề mục.
- Về sự phù hợp của vị trí QPPL trong các đề mục: Về cơ bản, các đại biểu tham dự đánh giá vị trí của các điều trong dự thảo kết quả pháp điển của các đề mục đã bảo đảm đúng nguyên tắc: Điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sắp xếp ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo thứ bậc hiệu lực pháp lý từ cao xuống thấp và theo trật tự thời gian ban hành đối với các điều của văn bản cùng hiệu lực. Đối với trường hợp một điều quy định chi tiết, hướng dẫn nhiều điều hoặc nhiều điều cùng áp dụng một phụ lục, biểu mẫu thì được thực hiện chỉ dẫn theo quy định.
- Về cấu trúc của đề mục: Cấu trúc của đề mục được xây dựng theo cấu trúc của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội thuộc nội dung của đề mục. Theo đó, đề mục Tần số vô tuyến điện có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Tần số vô tuyến điện số 42/2009/QH12 ngày 23/11/2009 của Quốc hội, gồm 08 chương với 49 điều và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật; đề mục Xuất bản có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Xuất bản số 19/2012/QH12 ngày 20/11/2012 của Quốc hội (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch), gồm 06 chương với 54 điều và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật; đề mục Chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng ngày 28/3/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bao gồm 07 chương với 59 điều và không có thay đổi so với cấu trúc của Luật.
 

Tại cuộc họp, về cơ bản các thành viên Hội đồng thẩm định ghi nhận và đánh giá cao quá trình cũng như chất lượng kết quả pháp điển của 03 đề mục. Tuy nhiên, đối với đề mục Xuất bản, Hội đồng thẩm định thấy rằng: hiện nay, Thông tư số 07/2018/TT-BTTTT ngày 15/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thực hiện đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước đang còn hiệu lực, có nội dung thuộc đề mục Xuất bản nhưng chưa được pháp điển vào đề mục. Ngoài ra, nội dung đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước hiện tại đang thực hiện theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Do đó, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát, xác định hiệu lực của Thông tư số 07/2018/TT-BTTTT, trường hợp còn áp dụng trên thực tế thì thực hiện pháp điển vào Đề mục, trường hợp không còn áp dụng trên thực tế thì xử lý hiệu lực của văn bản theo quy định.
Kết luận cuộc họp, trên cơ sở ý kiến của các thành viên của Hội đồng, đồng chí Nguyễn Duy Thắng - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL thay mặt Hội đồng thẩm định nhận định: Kết quả pháp điển 03 đề mục trên bảo đảm các yêu cầu quy định tại Điều 10 Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL. Tuy nhiên, các cơ quan chủ trì thực hiện pháp điển cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định; sớm chỉnh lý, hoàn thiện Hồ sơ, gửi Bộ Tư pháp sắp xếp vào chủ đề, trình Chính phủ thông qua theo quy định./.
 
 
 
[1] Ngoài ra có 03 văn bản sửa đổi, bổ sung
[2] Ngoài ra có 02 văn bản sửa đổi, bổ sung
Vũ Thị Mai
Chung nhan Tin Nhiem Mang