Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Doanh nghiệp được xây dựng lại
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Doanh nghiệp được xây dựng lại

Triển khai thực hiện công tác pháp điển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Doanh nghiệp (Đề mục 1 Chủ đề 12. Doanh nghiệp, hợp tác xã). Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hoàn thành việc thực hiện pháp điển đối với Đề mục Doanh nghiệp. Đề mục này đã được tổ chức họp thẩm định và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện chỉnh lý, hoàn thiện kết quả pháp điển Đề mục Doanh nghiệp, ký xác thực theo quy định để gửi hồ sơ kết quả pháp điển Đề mục đến Bộ Tư pháp (qua Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật) tổng hợp, trình Chính phủ xem xét thông qua trong thời gian tới.
Đề mục Doanh nghiệp có cấu trúc được xác định theo cấu trúc Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17/6/2020 của Quốc hội (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự năm 2022), gồm 10 chương với 218 điều và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật.
Theo đó, Đề mục Doanh nghiệp được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của 33 văn bản quy phạm pháp luật. Một số văn bản được pháp điển vào Đề mục Doanh nghiệp như:  Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 16/06/2020; Nghị định số 151/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước; Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; Nghị định số 52/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Nghị định số 10/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 4 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng; Nghị định số 148/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước; Nghị định số 01/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lương thực miền Bắc; Nghị định số 20/2020/NĐ-CP của Chính phủ thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; Nghị định số 129/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam; Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; Nghị định số 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp; Nghị định số 36/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Nghị định số 47/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp; Nghị định số 148/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp; Nghị định số 23/2022/NĐ-CP của Chính phủ về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;...
Trên cơ sở đó, các nội dung cơ bản trong mỗi chương của Đề mục Doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện pháp điển như sau:
- Chương I là những quy định chung, như: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; áp dụng luật doanh nghiệp và luật khác; giải thích từ ngữ; bảo đảm của nhà nước đối với doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trong doanh nghiệp; quyền của doanh nghiệp; nghĩa vụ của doanh nghiệp; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội; chế độ lưu giữ tài liệu của doanh nghiệp; người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức; trách nhiệm của người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức; các hành vi bị nghiêm cấm;...Trong đó, Công ty bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh. Công ty trách nhiệm hữu hạn bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh. Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết;…
- Chương II là nhóm quy định về thành lập doanh nghiệp  quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp; hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp; hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tư nhân; hồ sơ đăng ký công ty hợp danh; hồ sơ đăng ký công ty trách nhiệm hữu hạn; hồ sơ đăng ký công ty cổ phần; nội dung giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp; điều lệ công ty; danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần;..
- Chương III là các nhóm quy định về công ty trách nhiệm hữu hạn với một số nội dung chủ yếu như sau: công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; góp vốn thành lập công ty và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp; sổ đăng ký thành viên; quyền của thành viên hội đồng thành viên; nghĩa vụ của thành viên hội đồng thành viên; mua lại phần vốn góp; chuyển nhượng phần vốn góp; xử lý phần vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt; cơ cấu tổ chức quản lý công ty; hội đồng thành viên; chủ tịch hội đồng thành viên; triệu tập họp hội đồng thành viên; điều kiện và thể thức tiến hành họp hội đồng thành viên; nghị quyết, quyết định của hội đồng thành viên; biên bản họp hội đồng thành viên; thủ tục thông qua nghị quyết, quyết định của hội đồng thành viên theo hình thức lấy ý kiến bằng văn bản; hiệu lực nghị quyết, quyết định của hội đồng thành viên; giám đốc, tổng giám đốc; tiêu chuẩn và điều kiện làm giám đốc, tổng giám đốc; ban kiểm soát, kiểm soát viên; tiền lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác của chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc, tổng giám đốc và người quản lý khác; hợp đồng, giao dịch phải được hội đồng thành viên chấp thuận; tăng, giảm vốn điều lệ; điều kiện để chia lợi nhuận; thu hồi phần vốn góp đã hoàn trả hoặc lợi nhuận đã chia; trách nhiệm của chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc, tổng giám đốc và người quản lý khác, người đại diện theo pháp luật, kiểm soát viên;...
- Chương IV là các nhóm quy định về doanh nghiệp nhà nước với một số nội dung như sau: doanh nghiệp nhà nước; áp dụng quy định đối với doanh nghiệp nhà nước; cơ cấu tổ chức quản lý; hội đồng thành viên; quyền và nghĩa vụ của hội đồng thành viên; tiêu chuẩn và điều kiện của thành viên hội đồng thành viên; miễn nhiệm, cách chức thành viên hội đồng thành viên; chủ tịch hội đồng thành viên; quyền và nghĩa vụ của thành viên hội đồng thành viên;..
- Chương V là các nhóm quy định về công ty cổ phần với một số nội dung như sau: công ty cổ phần; vốn của công ty cổ phần; thanh toán cổ phần đã đăng ký mua khi đăng ký thành lập doanh nghiệp; quyền của cổ đông phổ thông; cổ phần ưu đãi biểu quyết và quyền của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết; cổ phần ưu đãi cổ tức và quyền của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức; cổ phần ưu đãi hoàn lại và quyền của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại; nghĩa vụ của cổ đông; cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập; sổ đăng ký cổ đông; chào bán cổ phần; chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu; chào bán cổ phần riêng lẻ; bán cổ phần; chuyển nhượng cổ phần;…
- Chương VI là các nhóm quy định về công ty hợp danh với một số nội dung như sau: thực hiện góp vốn và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp; tài sản của công ty hợp danh; hạn chế quyền đối với thành viên hợp danh; quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh; hội đồng thành viên; triệu tập họp hội đồng thành viên; điều hành kinh doanh của công ty hợp danh; chấm dứt tư cách thành viên hợp danh; tiếp nhận thành viên mới; ..
- Chương VII quy định về doanh nghiệp tư nhân với một số nội dung như sau: doanh nghiệp tư nhân; vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân; quản lý doanh nghiệp tư nhân; cho thuê doanh nghiệp tư nhân; bán doanh nghiệp tư nhân; thực hiện quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân trong một số trường hợp đặc biệt;..
- Chương VIII là các nhóm quy định về nhóm công ty với một số nội dung như sau: nhóm công ty; tập đoàn kinh tế, tổng công ty; công ty mẹ, công ty con; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con; báo cáo tài chính của công ty mẹ, công ty con;...
Chương IX là các nhóm quy định về  tổ chức lại, giải thể và phá sản doanh nghiệp với một số nội dung như sau: chia công ty ;tách công ty; hợp nhất công ty; sáp nhập công ty; chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần; chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh;..
Chương X là các nhóm quy định về điều khoản thi hành; trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước; cơ quan đăng ký kinh doanh./.
Trần Thanh Loan
Chung nhan Tin Nhiem Mang