Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Hoà giải, đối thoại tại Toà án - Đề mục mới bổ sung vào Chủ đề 37 (Đề mục 12 Chủ đề 37. Tố tụng và các phương thức giải quyết tranh chấp). Đến nay, Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong Đề mục Hoà giải, đối thoại tại Toà án, đồng thời đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định. Sau đó, Tòa án nhân dân tối cao sẽ chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và gửi Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua theo chủ đề “Tố tụng và các phương thức giải quyết tranh chấp”.
Tòa án nhân dân tối cao xác định có 06 văn bản có nội dung thuộc Đề mục (thuộc thẩm quyền pháp điển của Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tài chính) và 11 văn bản có nội dung liên quan đến đề mục. Đề mục Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án số 58/2020/QH14 ngày 16/6/2020 của Quốc hội, gồm 04 chương với 42 điều và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật. 
Đề mục Hoà giải, đối thoại tại Toà án có các nội dung chính như sau:
 - Chương I quy định những vấn đề chung như: Phạm vi điều chỉnh; Giải thích từ ngữ; Nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Bảo mật thông tin hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Trách nhiệm của Tòa án nhân dân trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
- Chương II quy định về hòa giải viên như: Điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên (Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Công, hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Hòa giải viên: Đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên; luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác; người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư; Có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại; Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao; Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại do cơ sở đào tạo của Tòa án nhân dân tối cao cấp, trừ người đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án ngạch Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp, Thư ký Tòa án ngạch Thư ký viên chính, Thư ký viên cao cấp, Kiểm sát viên, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên; 2. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được bổ nhiệm làm Hòa giải viên: Không đáp ứng điều kiện quy định; Đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân, công nhân công an); Bổ nhiệm Hòa giải viên; Bổ nhiệm lại Hòa giải viên; Miễn nhiệm Hòa giải viên;  Quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên; Khen thưởng, xử lý vi phạm đối với Hòa giải viên.
- Chương III quy định về trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án như: Trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định Hòa giải viên; Lựa chọn, chỉ định Hòa giải viên; Từ chối hòa giải, đối thoại, thay đổi Hòa giải viên; Những trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Thời hạn hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Thời hạn hòa giải, đối thoại là 20 ngày kể từ ngày Hòa giải viên được chỉ định; đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày; Các bên có thể thống nhất kéo dài thời hạn hòa giải, đối thoại, nhưng không quá 02 tháng); Chuẩn bị hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Phương thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Nhiệm vụ của Hòa giải viên trong quá trình tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Tiến hành phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Thành phần phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Trình tự phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Tiến hành phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Thành phần phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Hoãn phiền họp, mở lại phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Trình tự phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Thủ tục ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án; Điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án; Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án; Hiệu lực của quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án (Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính; Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; Quyết định công nhận kết quả đối thoại thành được thi hành theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính); Đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án; Thủ tục đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án; Thủ tục giải quyết đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án; Quyết định giải quyết đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án (Quyết định giải quyết đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phải có các nội dung sau đây: Ngày, tháng, năm ra quyết định; Tên Tòa án ra quyết định; Họ, tên của Thẩm phán ra quyết định; Họ, tên, địa chỉ của người đề nghị; tên của Viện Kiểm sát kiến nghị; Họ, tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết; Căn cứ pháp luật để giải quyết đề nghị, kiến nghị; Nhận định của Tòa án và những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị, kiến nghị; Quyết định của Tòa án; Quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định); Chấm dứt hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Xử lý việc chấm dứt hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
- Chương IV quy định về điều khoản thi hành: Hiệu lực thi hành (Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021).
 Như vậy, thông qua việc pháp điển Đề mục Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Ngoài ra, một số quy định trong Đề mục Hòa giải, đối thoại tại Tòa án còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn có liên quan đến nhau./.
Chung nhan Tin Nhiem Mang