Theo Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Đề mục Doanh nghiệp (Đề mục 1 Chủ đề 12. Doanh nghiệp, hợp tác xã) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện; Đề mục Hoà giải, đối thoại tại Toà án được bổ sung là một đề mục mới (Đề mục 12) vào Chủ đề 37. Tố tụng và các phương thức giải quyết tranh chấp và Tòa án nhân dân tối cao chủ trì thực hiện. Đề mục Kinh doanh bất động sản (Đề mục 2 Chủ đề 43. Xây dựng nhà ở, đô thị) do Bộ Xây dựng chủ trì thực hiện. Các cơ quan chủ trì thực hiện pháp điển đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện pháp điển các đề mục bảo đảm đúng theo quy định, cụ thể:
(1) Về trình tự, thủ tục pháp điển các đề mục: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành lập Danh mục văn bản dự kiến đưa vào pháp điển; thực hiện pháp điển theo thẩm quyền trên Phần mềm pháp điển và tổng hợp hồ sơ kết quả pháp điển các đề mục trên gửi Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL) để tổ chức thẩm định.
|
|
(2) Về tính chính xác, đầy đủ của QPPL trong các đề mục: Đối với Đề mục Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định có 34 văn bản có nội dung thuộc Đề mục (thuộc thẩm quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng nhà nước Việt Nam và Bộ Quốc phòng) và 31 văn bản có nội dung liên quan. Đối với Đề mục Hoà giải, đối thoại tại Toà án, Tòa án nhân dân tối cao xác định có 06 văn bản có nội dung thuộc Đề mục (thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tài chính) và 11 văn bản có nội dung liên quan. Đối với Đề mục Kinh doanh bất động sản, Bộ Xây dựng xác định có 03 văn bản có nội dung thuộc Đề mục (thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng) và 03 văn bản có nội dung liên quan.
(3) Về cấu trúc đề mục: Cấu trúc của đề mục được xây dựng theo cấu trúc của văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội thuộc nội dung của đề mục. Theo đó, Đề mục Doanh nghiệp có cấu trúc được xác định theo cấu trúc Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17/6/2020 của Quốc hội (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự năm 2022), gồm 10 chương với 218 điều và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật. Đề mục Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án số 58/2020/QH14 ngày 16/6/2020 của Quốc hội, gồm 04 chương với 42 điều và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật. Đề mục Kinh doanh bất động sản có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Kinh doanh bất động sản số 66/2014/QH13 ngày 25/11/2014 của Quốc hội, gồm 06 chương với 82 điều và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật. Hội đồng thẩm định thấy rằng: các cơ quan chủ trì thực hiện pháp điển xác định cấu trúc của các đề mục trên là phù hợp, tạo thuận lợi trong việc tra cứu, tìm kiếm quy định pháp luật.
(4) Về sự phù hợp của vị trí QPPL trong các đề mục: Về cơ bản, vị trí sắp xếp các điều trong dự thảo Kết quả pháp điển các Đề mục Doanh nghiệp; Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Kinh doanh bất động sản gửi thẩm định bảo đảm đúng nguyên tắc: Điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sắp xếp ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo thứ bậc hiệu lực pháp lý từ cao xuống thấp và theo trật tự thời gian ban hành đối với các điều của văn bản cùng hiệu lực. Đối với trường hợp một điều quy đinh chi tiết, hướng dẫn nhiều điều hoặc nhiều điều cùng áp dụng một phụ lục, biểu mẫu thì được thực hiện chỉ dẫn theo quy định.
|
|
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã đánh giá cao quá trình tổ chức thực hiện cũng như chất lượng kết quả pháp điển của 03 đề mục trên. Về cơ bản, các QPPL trong các đề mục đã được thực hiện pháp điển bảo đảm chính xác, đầy đủ theo quy định trên cơ sở Danh mục văn bản QPPL do Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, xác định đang còn hiệu lực và có nội dung thuộc đề mục.
Ngoài ra, về kỹ thuật ghi chú và chỉ dẫn các QPPL có nội dung liên quan, đối với Đề mục Kinh doanh bất động sản, Hội đồng thẩm định đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung Thông tư số 07/2015/TT-NHNN ngày 29/6/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về bảo lãnh ngân hàng (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 13/2017/TT-NHNN) là văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục và thực hiện chỉ dẫn theo quy định, ví dụ: Điều 12 Thông tư số 07/2015/TT-NHNN có nội dung liên quan đến Điều 43.2.LQ.56. Bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.
|
|
Kết luận cuộc họp, trên cơ sở ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định, đồng chí Nguyễn Duy Thắng - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL, Phó Chủ tịch Hội đồng nhận định: Kết quả pháp điển các đề mục: Doanh nghiệp; Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Kinh doanh bất động sản do Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Xây dựng chủ trì thực hiện đã bảo đảm các nội dung thẩm định quy định tại Điều 10 Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL, đồng thời, đề nghị cơ quan chủ trì thực hiện pháp điển tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định; sớm chỉnh lý, hoàn thiện Hồ sơ, gửi Bộ Tư pháp tổng hợp trình Chính phủ phê duyệt thông qua theo quy định./.